Gần dân, sát dân, việc khó thành dễ
Đã thành thông lệ, đúng 8 giờ sáng thứ bảy, đồng chí Nguyễn Thị Xuân Tình, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, lại cùng các thành viên tổ hòa giải xuống khu dân cư gặp gỡ và giải quyết vướng mắc trong dân. Hôm nay là việc một cặp vợ chồng ở khu phố 3 xảy ra mâu thuẫn xô xát, cãi vã. Nhiều lần chồng đánh vợ, bà con lối xóm góp ý nhưng không nghe. Sau khi tổ hòa giải phân tích rõ hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức, người chồng đã nhận thức được và hứa sửa đổi. Nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời sự việc ngay từ lúc mới phát sinh là bí quyết của các cấp ủy huyện Tây Sơn. Theo đồng chí Nguyễn Thị Xuân Tình, khi nắm chắc tâm tư nguyện vọng của dân thì dù việc nhỏ hay lớn, đơn giản hay phức tạp đều có hướng giải quyết.
Cuối năm 2016, một số hộ dân ở hai khối Hòa Lạc và Phú Xuân chưa thống nhất phương án giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án mở rộng quốc lộ 19. Đảng ủy thị trấn đã thành lập đoàn công tác xuống tìm hiểu từng trường hợp, qua đó có phương án vận động, thuyết phục hợp lý. Kết quả, chỉ sau một tuần, tất cả các hộ dân đã đồng ý với phương án chính quyền đưa ra, tuyến đường được thi công đúng tiến độ. Với cách làm như vậy, từ năm 2010 đến nay, thị trấn Phú Phong không có đơn thư khiếu kiện vượt cấp.
Một thời gian dài, Bình Định tồn tại khá nhiều vụ việc bức xúc trong dân như tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất trái phép và tranh chấp khai thác thủy sản... nhưng không giải quyết dứt điểm dẫn tới khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người. Năm 2012, khi kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Tỉnh ủy Bình Định xác định nguyên nhân để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người là do cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thật sự sâu sát nắm bắt tình hình để giải quyết kịp thời, thỏa đáng kiến nghị của người dân ngay từ cơ sở. Từ đó, Tỉnh ủy Bình Định đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung hướng về cơ sở. Tỉnh ủy phân công, giao trách nhiệm cho các đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành thường xuyên xuống nắm tình hình tại các địa phương. UBND tỉnh công khai lịch tiếp công dân và trả lời đơn thư khiếu nại. Các thành ủy, huyện ủy thành lập tổ công tác, hằng tháng xuống thôn, xóm, tổ dân phố trực tiếp lắng nghe ý kiến và giải đáp những thắc mắc của nhân dân. Chính quyền xã, phường, thị trấn tăng cường nắm tình hình và duy trì nghiêm chế độ tiếp công dân hằng tuần. Những giải pháp này đã góp phần giải tỏa nhiều “điểm nóng” về khiếu nại, khiếu kiện.
Nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở
Theo Phó Bí thư Huyện ủy Tuy Phước Mai Văn Ngọc, tập trung hướng về cơ sở để giải quyết những vấn đề người dân quan tâm là giải pháp quan trọng trong ổn định tình hình dân cư. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, lâu dài, cần nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở. Sát, gần dân nhưng thiếu trình độ, năng lực thì cũng không thể giải quyết tốt những yêu cầu của dân. Bài học từ huyện Tuy Phước cho thấy, hầu hết các vụ việc gây bức xúc như lấn chiếm đất đai, tranh chấp đánh bắt thủy sản là do năng lực, trình độ của cán bộ hạn chế, yếu kém. Xã Thuận Phước, huyện Tuy Phước từng để xảy ra tình trạng cả trăm người dân khiếu kiện vượt cấp. Nguyên nhân do xã thu tiền bán đất sai quy định dẫn đến thiệt hại cho dân, gây khiếu kiện kéo dài. Năm 2010, Huyện ủy Tuy Phước củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ xã Thuận Phước. Kiên quyết không để những người chưa có bằng trung cấp, cao đẳng về chuyên môn và bằng trung cấp lý luận chính trị tiếp tục tham gia cấp ủy; kiểm soát chặt chẽ đầu vào công chức về trình độ và chuyên môn; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức xã. Sau khi được kiện toàn, đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ đã phát huy tốt năng lực. Trong công tác tiếp dân, UBND xã thành lập tổ giải quyết khiếu nại của nhân dân do chủ tịch UBND xã trực tiếp làm tổ trưởng, dành ngày thứ năm hằng tuần để tiếp công dân. Chi bộ thôn, xóm thực hiện nghiêm quy định trực báo cáo vấn đề với Đảng ủy xã mỗi tháng một lần. Mọi ý kiến, kiến nghị của người dân đều được xem xét, giải quyết kịp thời. Đến nay, xã không còn hiện tượng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, an ninh chính trị ổn định. Đảng bộ xã Thuận Phước từ yếu kém vươn lên trong sạch, vững mạnh.
Theo đồng chí Trần Kim Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, năm 2012, tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Tỉnh ủy Bình Định nhận thấy rõ chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở có nhiều hạn chế; kiến thức chắp vá, tuổi cao cho nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện trong dân. Ngay sau đó, Tỉnh ủy triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Ngoài tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tỉnh thu hút trí thức trẻ về công tác tại các xã miền núi, ven biển. Trong năm 2016, toàn tỉnh có hơn 830 cán bộ, công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Chất lượng cán bộ cơ sở được nâng lên cộng với sự chỉ đạo hướng mạnh về cơ sở của Tỉnh ủy, đã góp phần ổn định tình hình, phát huy hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình là Đảng bộ xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ với đội ngũ cán bộ 100% đạt chuẩn, trong đó bốn đồng chí lãnh đạo chủ chốt có bằng đại học đã triển khai thành công nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế như chuyển đổi lúa ba vụ sang trồng kiệu, ớt; mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỹ Hiệp là một trong hai xã về đích nông thôn mới sớm nhất của huyện Phù Mỹ, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 18 triệu đồng năm 2011 lên 26,1 triệu đồng năm 2016.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Tuy nhiều địa phương thuộc tỉnh Bình Định đã giảm số vụ khiếu nại, khiếu kiện trong dân, nhất là những “điểm nóng” ở các huyện: Tuy Phước, An Lão, Sơn Tây...; nhưng thực tế, tình hình khiếu nại, khiếu kiện vẫn còn, thậm chí gia tăng ở một số lĩnh vực mới như đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng. Điều này cho thấy dù Tỉnh ủy chỉ đạo sát sao nhưng sự phối hợp của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị của tỉnh Bình Định trong giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của nhân dân chưa thật sự chặt chẽ. Việc đùn đẩy trách nhiệm cấp dưới cho cấp trên, đơn vị này cho đơn vị khác vẫn còn. Vì vậy, tỉnh cần tăng cường lãnh đạo công tác phối hợp giữa các địa phương, các ngành, các cấp nhằm giải quyết vướng mắc ở cơ sở.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong cán bộ, đảng viên cũng là giải pháp quan trọng. Khá nhiều ý kiến, bức xúc trong nhân dân liên quan thái độ, lề lối, tác phong của cán bộ. Mới đây, qua kiểm tra công tác cải cách hành chính và kỷ luật, kỷ cương công vụ tại 15 xã trong tỉnh cho thấy, ở hầu hết UBND các xã, công tác cải cách hành chính còn mang tính hình thức, đối phó. Nhiều cán bộ, công chức đi làm muộn giờ không có lý do, một số trường hợp không có bảng tên, thẻ đeo hoặc có nhưng không đúng quy định. Tại xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân), có cán bộ, công chức thái độ chưa chuẩn mực khi giao tiếp với dân. Khi đoàn công tác kiểm tra đột xuất các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện Vĩnh Thạnh, một số phòng không có người làm việc, đóng cửa, được lãnh đạo huyện giải thích là cán bộ của phòng đi họp, đi học... Một số cấp ủy đảng cơ sở khi kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã xác định ba vấn đề nổi cộm cần khắc phục, trong đó có giờ giấc làm việc của một số cán bộ, công chức chưa nghiêm, tinh thần làm việc chưa cao, văn hóa ứng xử thiếu chuẩn mực. Ở một số địa phương, ngoài lề lối, tác phong, cán bộ còn có biểu hiện bao che dung túng cho hành vi vi phạm pháp luật của họ hàng, người thân. Đây chính là những biểu hiện suy thoái, trực tiếp tạo ra bức xúc, khiếu nại trong nhân dân.
Sớm kiện toàn nâng cao chất lượng cán bộ không chuyên trách, “cánh tay nối dài” của Đảng với dân cũng là một việc cần làm ngay của các cấp ủy đảng tỉnh Bình Định. Đây là đội ngũ gần dân nhất, hiểu và nắm vững tâm tư tình cảm của nhân dân. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, chế độ chính sách còn eo hẹp, nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện chế độ một đồng chí kiêm nhiệm nhiều chức danh. Như bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn và trưởng ban công tác mặt trận. Giải pháp này trước mắt giúp cho cán bộ hoạt động không chuyên trách tăng thêm phụ cấp, song cũng có những hạn chế nhất định. Bình Định là tỉnh nông nghiệp, các đồng chí vừa hoạt động đoàn thể nhưng cũng là lao động chính trong gia đình cho nên khó làm tốt cùng lúc nhiều vai. Không ít trường hợp nhân dân trong thôn, xã đã khiếu kiện vượt cấp mà cán bộ thôn, xóm chưa nắm được.
Năm 2017, tỉnh Bình Định xác định tập trung mạnh vào công tác giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, vướng mắc trong nhân dân. Để đạt kết quả tốt, cùng với đổi mới phương thức lãnh đạo hướng về cơ sở, các cấp ủy tỉnh Bình Định thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ tăng cường tuyên truyền giáo dục, đổi mới công tác cán bộ đến hoàn thiện cơ chế chính sách…; gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên; kiên quyết thay thế cán bộ không đủ tiêu chuẩn; xử lý nghiêm minh những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, củng cố, giữ vững niềm tin trong nhân dân.