Sau đây là một số nội dung mới của Thông tư 48/2014/TT-BGTVT ngày 15/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành có hiệu lực từ ngày 01/12/2014:
* Tăng thời hạn sử dụng của giấy phép lái xe (GPLX ) hạng B1:
- Giấy phép lái xe hạng B1 (dành cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả lái xe; ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn; máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải dưới 3,5 tấn) chỉ hết hạn khi lái xe đủ 55 tuổi (đối với nữ) và 60 tuổi (đối với nam). Nếu người lái xe lấy bằng khi đã hơn 45 tuổi (với nữ) hoặc hơn 50 tuổi (với nam) thì GPLX hạng B1 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.
- Thời hạn sử dụng của GPLX các hạng khác vẫn giữ nguyên. Cụ thể:
+ Bằng A1, A2, A3: không thời hạn.
+ Bằng A4, B2: 10 năm.
+ Bằng C, D, E, FB2, FC, FD, FE: 5 năm.
Lưu ý:
Quy định mới trong Thông tư 48/2014 không tước quyền lái xe ô tô hạng B1 của những người đến tuổi nghỉ hưu mà kéo dài thời hạn sử dụng giấy phép lái xe cho những người này thay vì cứ sau 10 năm phải xin cấp lại. Khi GPLX hết hạn, những người về hưu nếu có nhu cầu lái xe vẫn được cơ quan cấp phép cấp có thời hạn 10 năm/lần, nếu đảm bảo đủ các điều kiện để lái ô tô.
* Giảm thời gian cấp đổi GPLX:
- Thời gian đổi GPLX các hạng (A, B, C, D, E, F) không quá 5 ngày làm việc, kể cả đối với GPLX không trực tiếp quản lý (GPLX ngoại tỉnh) kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. (trong khi quy định hiện hành là là 25 ngày).
- Khi đổi GPLX, cơ quan có thẩm quyền cấp phải cắt góc GPLX cũ ( trừ GPLX do nước ngoài cấp).
* Quy định rõ trách nhiệm xác minh thông tin GPLX khi cấp lại, cấp đổi GPLX:
- Sau khi nhận hồ sơ xin cấp đổi, cấp lại, gia hạn thời hạn sử dụng GPLX, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải xác minh GPLX đã cấp. Ngay khi nhận được yêu cầu xác minh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở GTVT phải trả lời xác minh GPLX đã cấp.
- Việc xác minh GPLX phải thực hiện ngay qua điện thoại, thư điện tử hoặc Fax và sau đó gửi bằng văn bản. Sau khi có kết quả xác minh GPLX, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải cập nhật bổ sung thông tin về GPLX vào hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX toàn quốc.
- Trường hợp phát hiện GPLX đã cấp không hợp lệ, cơ quan trực tiếp cấp, đổi GPLX có trách nhiệm thu hồi; phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xử lý, cập nhật vi phạm trên hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX toàn quốc; thông báo trên Trang thông tin điện tử của Sở GTVT và Trang thông tin điện tử quản lý GPLX để không công nhận tính hợp pháp của GPLX đã cấp; xử lý vi phạm theo quy định.
Lưu ý: Người có nhu cầu cấp đổi, cấp lại GPLX có thể làm hồ sơ và nộp ở bất kỳ sở GTVT nào.
* Sửa đổi một số quy định về giấy phép lái xe cho người nước ngoài:
- Người nước ngoài, người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam thì phải đổi sang GPLX tương ứng của Việt Nam nếu chỉ có giấy phép lái xe của quốc gia đó. Nếu có GPLX quốc tế do cơ quan thẩm quyền của các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp và còn hạn sử dụng thì được lái loại xe quy định đã ghi trong giấy phép mà không cần phải đổi sang GPLX Việt Nam.
PX Bảo