Luật Tiếp công dân có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2014, và đến nay đã gần 1 tháng trôi qua, song theo phản ánh của người dân tại nhiều cơ quan hành chính cấp quận huyện và các sở ngành của TPHCM vẫn chưa có động tĩnh gì để triển khai thực hiện. Theo quy định của luật, tại UBND các quận huyện sẽ thành lập Ban Tiếp công dân với trụ sở tiếp công dân được trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất để tiếp đón, ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của công dân. Tại một số quận huyện, theo ghi nhận của chúng tôi vẫn tồn tại hoạt động của Tổ tiếp dân, hoặc bộ phận tiếp công dân trực thuộc văn phòng UBND. Do chức năng, nhiệm vụ của bộ phận này theo luật đến thời điểm ngày 01-7 là hết hiệu lực, nên có nhiều nơi đã thẳng thừng từ chối tiếp dân, hoặc ra thông báo không tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân. Nhiều người dân đi đến các bộ phận tiếp công dân này phải ra về mà không thực hiện được quyền và yêu cầu chính đáng của mình đã được Luật Tiếp công dân quy định.
Trong khi đó, từ đầu tháng 7 đến nay, mặc dù chưa thành lập Ban Tiếp công dân để thay thế chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Văn phòng Tiếp công dân TP, lãnh đạo TP, mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND đã chủ động tiếp công dân theo định kỳ mà Luật Tiếp công dân quy định. Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM đã chọn trường hợp khiếu nại của hộ gia đình ông Trần Văn Hải, bà Nguyễn Thị Vác (ngụ khu phố 5, phường Linh Trung) để tiếp xúc, lắng nghe những vướng mắc, kiến nghị và đã chỉ đạo cơ quan chức năng sớm giải quyết, tránh kéo dài, gây bức xúc cho dân. Đây là trường hợp mà Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trong các cuộc tiếp xúc cử tri đã được nghe phản ánh rất nhiều lần. Hay cuộc tiếp dân định kỳ của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng được cho là có tính chủ động khi đưa vụ việc khiếu nại hơn 20 năm của ông Huỳnh Văn Hồng (ngụ phường Tân Quy, quận 7) ra tiếp xúc để có hướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Hình thức và nội dung tiếp công dân của các đồng chí lãnh đạo TP cũng có sự thay đổi theo hướng đưa vụ việc ra để các bên từ người đi khiếu nại, người có quyền lợi liên quan đến các cơ quan chức năng phường, quận, thành phố cùng nhau bàn bạc, tìm hướng giải quyết một cách công khai, dân chủ và đúng với tinh thần có tình, có lý, không để người dân chịu thiệt.
Thiết nghĩ, ở cơ các cơ quan hành chính cấp quận huyện và sở ngành TP cũng nên sớm chuyển động theo hướng này bằng việc nhanh chóng tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ quan chuyên trách tiếp công dân. Đồng thời, người đứng đầu ở các cơ quan hành chính này cũng cần chủ động tổ chức các cuộc tiếp công dân định kỳ trong địa bàn và lĩnh vực của mình, không chờ luật và các hướng dẫn thực hiện luật của các cơ quan trung ương ban hành.
HOÀI NAM-SGGP