SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
1
7
2
3
1
0
Tin tức sự kiện 02 Tháng Mười 2014 8:25:00 SA

(TTTP) Tôn trọng quyền tố cáo của công dân

 

     Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân vừa ký quyết định ban hành Quy trình giải quyết tố cáo của công dân trên địa bàn. Theo đó, mọi công dân được thực hiện quyền tố cáo gửi đến cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải thực thi theo nguyên tắc: kịp thời, chính xác, khách quan, dân chủ, đúng pháp luật. Đây là quan điểm thể hiện tính nhất quán, minh bạch trong mối liên hệ giữa công dân với cơ quan hành chính Nhà nước và người thực thi nhiệm vụ, công vụ; đồng thời phát huy và tôn trọng quyền tố cáo hợp pháp, chính đáng của công dân.

    Những năm qua, Luật Tố cáo (trước kia là Luật Khiếu nại, Tố cáo) đi vào cuộc sống và thực tế đã phát huy được quyền công dân trong việc tham gia phát hiện, phản ánh đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. , vẫn còn nhiều nơi, nhiều tổ chức, cá nhân có thẩm quyền còn tìm cách né tránh, thiếu công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, giải quyết những nội dung tố cáo của công dân. Có tình trạng người bị tố cáo có hành vi trù dập, vu khống và thậm chí đe dọa người tố cáo. Nhiều nơi, đơn tố cáo của công dân còn bị ém nhẹm, lấp liếm, hoặc chuyển đến những cá nhân, tổ chức không thuộc thẩm quyền giải quyết, làm cho nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực không bị phát hiện, xử lý theo pháp luật. Tình trạng trên làm cho người dân thiếu tin tưởng vào các cơ quan hành chính Nhà nước, không mạnh dạn thực thi quyền tố cáo của mình trước pháp luật.

      Theo quy trình giải quyết tố cáo, khi nhận được đơn tố cáo của công dân, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm xem xét và ra quyết định thụ lý quyết định trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc. Trong thời hạn 45 ngày, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phải tiến hành xác minh, kết luận nội dung xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo và lập báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo để trình cấp có thẩm quyền ra quyết định giải quyết tố cáo. Kết quả giải quyết tố cáo, kể cả việc xử lý hành vi vi phạm của người bị tố cáo phải được thông báo công khai cho người tố cáo. Đồng thời, cơ quan thẩm quyền còn có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo và ngăn chặn những việc làm tiêu cực có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích, tinh thần và sức khỏe của người tố cáo. Việc xử lý tố cáo đối với người bị tố cáo và người tố cáo cũng được xác định rõ trách nhiệm của từng bên, trong đó có những quy định rất chặt chẽ đối với các trường hợp tố cáo sai sự thật. Có thể nói, những quy định trong quy trình giải quyết tố cáo được ban hành lần này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ thể hiện sự tôn trọng quyền tố cáo của công dân, mà còn ngăn ngừa những hành vi lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai, gây mất uy tín của cá nhân và đơn vị trong các cơ quan hành chính Nhà nước.

                                                                             MINH ĐỨC SGGP

 


Số lượt người xem: 3879    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm