Nghị định 64/2014/NĐ-CP được ban hành ngày 26 tháng 6 năm 204 nhằm hướng dẫn, cụ thể hóa những quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.
Phòng Pháp chế phối hợp với Chi hội Luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị định như sau:
I. BỐ CỤC:
Nghị định gồm 06 chương 24 điều, bao gồm:
Chương I. Những quy định chung (Điều 1 và Điều 2), quy định: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Chương II. Tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập (từ Điều 3 đến Điều 5), quy định: việc tổ chức tiếp công dân, trách nhiệm của người đứng đầu, địa điểm tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập.
Chương III. Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của các Ban tiếp công dân; việc bố trí cơ sở vật chất của trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân (từ Điều 6 đến Điều 10) gồm: nhiệm vụ quyền hạn của Ban tiếp công dân trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; cơ cấu tổ chức của Ban tiếp công dân các cấp; việc bố trí cơ sở vật chất tại Trũ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân.
Chương IV. Quy chế phối hợp hoạt động tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân (từ Điều 11 đến Điều 17), gồm: phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tiếp công dân, cử người đại diện của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên, phối hợp trong việc quản lý điều hành hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân; phối hợp trong việc đón tiếp, hướng dẫn công dân, theo dõi, đôn đốc, bảo vệ Trụ sở tiếp công dân, người tiếp công dân, bảo vệ người khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; phối hợp trong việc xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung.
Chương V. Điều kiện đảm bảo hoạt động tiếp công dân (từ Điều 18 đến Điều 22), gồm: điều kiện đảm bảo đối với công tác tiếp công dân; chính sách, chế độ đối với người tiếp công dân; phạm vi áp dụng chế độ bồi dưỡng đối với người tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; nguyên tắc áp dụng, mức chi bồi dưỡng.
Chương VI. Điều khoản thi hành (Điều 23 và 24) quy định hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành
II. MỘT SỐ NỘI DUNG CHỦ YẾU
1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng:
Nghị định quy định việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Ban Tiếp công dân, việc bố trí cơ sở vật chất của Trụ sở tiếp công dân; quy chế phối hợp hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân; việc bố trí cơ sở vật chất của địa điểm tiếp công dân; các điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân
Đối tượng áp dụng của Nghị định là: Cơ quan hành chính nhà nước, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, người tiếp công dân; người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiếp công dân.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh:
Ban tiếp công dân cấp tỉnh có nhiệm vụ:
- Tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh
- Giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật.
- Phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
- Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
- Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh; của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh; báo cáo định kỳ và đột xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân, Thanh tra tỉnh và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
- Tổ chức tiếp, xử lý trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung
- Phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc: Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn đối với nhân dân, công chức, viên chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thuộc sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
3. Địa điểm tiếp công dân và hoạt động tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân
Nghị định quy định Tổng thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bố trí phòng làm việc, trang bị phương tiện và các điều kiện làm việc cần thiết khác phục vụ cho việc tiếp công dân của người đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.
Trụ sở tiếp công dân phải được bố trí ở địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân, việc đi lại của công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Nghị định quy định phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 11, Khoản 4 Điều 12, Khoản 4 Điều 13 của Luật Tiếp công dân. Riêng đối với cấp xã thì công chức kiêm nhiệm tiếp công dân ở cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đối với những trường hợp thuộc phạm vi của xã.
Cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân phải bố trí người có năng lực, trình độ phù hợp làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên. Việc cử người tiếp công dân của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân phải được thông báo bằng văn bản cho Trưởng Ban Tiếp công dân, trong đó nêu rõ họ tên, chức vụ, phạm vi nhiệm vụ. Đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân phải thực hiện đúng quy chế tiếp công dân, nội quy của Trụ sở tiếp công dân; thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi nhiệm vụ được phân công; chấp hành chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức mình và điều hành của Trưởng Ban Tiếp công dân trong khi tiếp công dân; phối hợp chặt chẽ với cán bộ, công chức khác trong Trụ sở tiếp công dân để thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Trưởng Ban Tiếp công dân có trách nhiệm nhận xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của người tiếp công dân của cơ quan, tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.
Nghị định cũng quy định cơ chế phối hợp trong việc quản lý, điều hành hoạt động tiếp công dân; đón tiếp, hướng dẫn công dân; theo dõi, đôn đốc; bảo vệ Trụ sở tiếp công dân, người tiếp công dân, bảo vệ người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung (Điều 13 đến 17).
Bên cạnh đó, Nghị định quy định điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân: Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Các cơ quan có liên quan có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong phạm vi được giao.
Người tiếp công dân được hưởng các chế độ chính sách như: Chế độ bồi dưỡng theo quy định Nghị định này; bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ tiếp công dân; người tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân được hưởng chế độ trang phục tiếp công dân.
4. Điều khoản thi hành
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 15/08/2014. Những quy định về tiếp công dân tại Chương V của Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại và Nghị định số 89/CP ngày 07 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành./.
Hương Lư