Luật Tiếp công dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25/11/2013; được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 17/2013/L-CTN ngày 06/12/2013.
Phòng Pháp chế phối hợp với Chi hội Luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT TIẾP CÔNG DÂN
Công tác tiếp công dân thời gian qua đã đạt được một số kết quả sau:
- Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy phạm quy định về công tác tiếp công dân như Nghị định số 89/CP ngày 07/8/1997 ban hành kèm theo Quy chế tổ chức tiếp công dân; Luật Khiếu nại, tố cáo 1998; Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo; Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác tiếp công dân; Luật khiếu nại 2011, Luật tố cáo 2010, Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo ... Qua đó hoạt động tiếp công dân có cơ sở pháp lý để hoạt động rõ ràng, cụ thể hơn.
- Hoạt động tiếp công dân được sự quan tâm của Đảng và cơ quan nhà nước. Điều đó được thể hiện ở việc nhiều nơi đã thành lập Trụ sở, ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân, bố trí cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân, đầu tư cơ sở, trang thiết bị cho trụ sở, công tác tiếp công dân đã dần dần đi vào nề nếp. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của mình.
- Hiệu quả mà hoạt động tiếp công dân đem lại ngày càng rõ nét hơn. Hàng năm Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước và các cấp, các ngành đã tiếp và hướng dẫn hàng chục nghìn lượt người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh, trong đó có nhiều đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp.
Tuy nhiên, công tác tiếp công dân vẫn còn một số hạn chế như sau:
- Lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Việc tiếp công dân còn hình thức, chưa hiệu quả; có nơi còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ không đúng mực đối với người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tình trạng né tránh trách nhiệm, hướng dẫn công dân không đúng quy định vẫn còn xảy ra.
- Tên gọi, mô hình tổ chức của tổ chức tiếp công dân, cơ cấu thành phần tại nơi tiếp công dân; số lượng cán bộ, điều kiện làm việc, chế độ chính sách đối với công chức tiếp công dân còn thiếu thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Việc phối, kết hợp giữa Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương với địa phương, giữa các cơ quan, tổ chức thường trực tại Trụ sở tiếp công dân; giữa Trụ sở tiếp công dân với các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cũng thiếu chặt chẽ; ở một số nơi, việc tiếp công dân chưa gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tiếp công dân ở Trụ sở chưa gắn với theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tiếp thu, xem xét, giải quyết của các cơ quan, tổ chức.
- Trong hoạt động tiếp công dân, chưa phân định rõ việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo với kiến nghị, phản ánh; chưa quy định rõ việc tiếp công dân của người đứng đầu với việc tiếp công dân của công chức, giữa việc tiếp công dân thường xuyên với việc tiếp công dân theo yêu cầu khẩn thiết đối với vụ việc phức tạp, có nhiều người tham gia.
- Chế độ thông tin về tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được đầy đủ, kịp thời; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân chưa được quan tâm đúng mức.
- Đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, còn hạn chế về hiểu biết pháp luật, kinh nghiệm quản lý, khả năng giao tiếp, phương pháp vận động, thuyết phục quần chúng. Công tác đào tạo chuyên môn cho công chức làm công tác tiếp công dân chưa được quan tâm đúng mức; chế độ, chính sách đãi ngộ đối với công chức làm công tác tiếp công dân còn nhiều bất cập.
Những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là chưa có văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực tiếp công dân.
Để đổi mới công tác tiếp công dân, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngày 10/01/2008, Bộ Chính trị có Thông báo kết luận số 130-TB/TW về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới. Tiếp theo đó, Ban Bí thư Trung ương có Thông báo số 307-TB/TW ngày 10/2/2010 về Đề án đổi mới công tác tiếp công dân, trong đó chỉ rõ: “Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo; đẩy nhanh việc đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác tiếp công dân, trong đó có Nghị định 89-CP ngày 07/8/1997 của Chính phủ, ban hành kèm theo Quy chế tổ chức tiếp công dân và pháp luật khiếu nại, tố cáo có liên quan”.
Từ những lý do nêu trên, việc ban hành Luật Tiếp công dân là cần thiết.
Trần Đình Trữ
TP. Pháp chế TTTP