Ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi đã được thông qua sau 3 lần cho ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội với tỷ lệ 97,59%. Có thể nói, đây là sự kiện có tính chất lịch sử quan trọng của đất nước ta trong thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu, làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy, nghiêm túc chắt lọc tinh hoa trí tuệ của toàn dân, tiếp thu ý kiến xác đáng của cử tri trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà khoa học, các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị của các vị đại biểu Quốc hội. Do đó, bản Hiến pháp mới thể hiện tinh thần đổi mới và thể hiện được ý Đảng, lòng dân, phản ánh được nguyện vọng của đại đa số nhân dân.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2013 (gọi là Hiến pháp 2013) là bản Hiến pháp thứ 5 trong lịch sử lập hiến của Việt Nam. (sau Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992).
Phòng Pháp chế phối hợp với Chi hội Luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Hiến pháp như sau:
I. BỐ CỤC
Hiến pháp 2013 có 11 chương, 120 Điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992 (có 12 chương, 147 Điều). Bố cục của Hiến pháp 2013 cũng có sự thay đổi nhất định so với Hiến pháp 1992:
- Đưa chương quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ chương V (Hiến pháp 1992) lên chương II (Hiến pháp 2013) thể hiện Nhà nước Việt Nam nâng cao giá trị con người trong định hướng phát triển của đất nước.
- Gom các nội dung về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường thành 01 chương.
- Thay đổi tên chương “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” thành chương “Chính quyền địa phương”.
- Bổ sung chương quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước.
Bố cục của Hiến pháp 2013 cụ thể như sau:
Chương I. Chế độ chính trị (từ Điều 1 đến Điều 13)
Chương II. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (từ Điều 14 đến Điều 49)
Chương III. Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (từ Điều 50 đến Điều 63)
Chương IV. Bảo vệ tổ quốc (từ Điều 64 đến Điều 68)
Chương V. Quốc hội (từ Điều 69 đến Điều 85)
Chương VI. Chủ tịch nước (từ Điều 86 đến Điều 93)
Chương VII. Chính phủ (từ Điều 94 đến Điều 101)
Chương VIII. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân (từ Điều 102 đến Điều 109)
Chương IX. Chính quyền địa phương (từ Điều 110 đến Điều 116)
Chương X. Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước (Điều 117, 118)
Chương XI. Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp (Điều 119, 120)
Trần Đình Trữ
TP. Pháp chế TTTP