BÁO CÁO
Một số kết quả hoạt động Thanh tra Lao động năm 2013
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo,
- Kính thưa toàn thể Hội nghị
Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP có chức năng thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực lao động, chính sách người có công, chính sách xã hội, thanh tra việc thực hiện pháp luật về dạy nghề, bảo hiểm xã hội, pháp luật về bình đẳng giới và chăm sóc bảo vệ trẻ em trên toàn địa bàn thành phố.
Thực hiện Luật Thanh tra, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2013 và tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch được Giám đốc Sở phê duyệt. Kết quả đã hoàn thành 2041 cuộc thanh tra chuyên ngành, 14 cuộc thanh tra hành chính – phòng chống tham nhũng, đạt 102% chỉ tiêu kế hoạch được phê duyệt; tham mưu Giám đốc Sở chỉ đạo xử lý, giải quyết đúng quy định pháp luật khiếu nại, tố cáo. Thanh tra Sở thường xuyên tổ chức theo dõi, đôn đốc kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, các quyết định xử lý về thanh tra nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi cho người lao động, góp phần ổn định quan hệ lao động hài hòa trên địa bàn. Qua hoạt động thanh tra chuyên ngành, đã ban hành 635 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 635 đơn vị doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật Lao động, trong đó có 569 quyết định phạt xử phạt bằng tiền và 66 quyết định xử phạt với hình thức cảnh cáo với tổng số tiền phạt 6.390.268.685 đồng. Có 415 doanh nghiệp đã thực hiện đóng phạt vào Kho bạc Nhà nước với tổng số tiền là 4.270.456.446 đồng, chiếm tỷ lệ 66,8%/tổng số tiền xử phạt. Trong kỳ đã thực hiện cưỡng chế qua tài khoản ngân hàng đối với 81 doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt với tổng số tiền cưỡng chế là 1.437.212.541 đồng; có 14 quyết định cưỡng chế được thực hiện, thu hồi vào Kho bạc nhà nước 197.984.895 đồng, chiếm tỷ lệ 13,8%/tổng số tiền cưỡng chế.
Ngoài ra thực hiện nhiệm vụ của UBND thành phố giao, Thanh tra Sở phối hợp với các ngành hữu quan tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên đề về lao động - tiền lương đối với 36 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trên địa bàn, trong đó có 11 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công ích. Qua thanh tra phát hiện một số doanh nghiệp công ích vi phạm pháp luật về lao động, chế độ chi trả lương cho viên chức quản lý, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 03 đơn vị với tổng số tiền phạt là 140.000.000 đồng; tham mưu Giám đốc Sở kiến nghị UBND Thành phố xử lý các sai phạm của các đơn vị vi phạm, thu hồi khoản tiền chi vượt lương của số viên chức quản lý theo kết luận thanh tra là 7.323.206.522 đồng; tham mưu UBND TP chỉ đạo các doanh nghiệp công ích có vi phạm pháp luật lao động phục hồi quyền lợi cho người lao động bằng các khoản chi bổ sung cho người lao động như truy thu BHXH: 6.340.543.000 đồng, trợ cấp thôi việc: 318.229.169 đồng; chi các chế độ phúc lợi khác: 3.957.404.447 đồng.
Bên cạnh hoạt động thanh tra, trong năm 2013 Thanh tra Sở chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND TP chỉ đạo tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ 2013, ban hành Chương trình quốc gia về An toàn lao động - Vệ sinh lao động của Thành phố đến năm 2015; tham mưu Ban Giám đốc Sở chỉ đạo và hướng dẫn các Quận Huyện phối hợp cùng triển khai chương trình quản lý an toàn thiết bị chịu áp lực đối với hoạt động dịch vụ bơm vá vỏ xe trên địa bàn : đã tổ chức tập huấn quy định về an toàn trong quản lý và sử dụng thiết bị chịu áp lực cho 180 cán bộ thuộc 21 phòng Lao động TBXH quận huyện và UBND phường xã. Qua hướng dẫn của Thanh tra Sở, các quận huyện đã triển khai khảo sát nắm lại các điểm bơm vá xe trên địa bàn (có 14 quận huyện đã tiến hành khảo sát và xác định 4.501 điểm bơm vá xe có sử dụng bình chứa không khí nén). Sau khảo sát, các quận huyện đã phối hợp với Thanh tra Sở tổ chức lớp tập huấn về sử dụng an toàn bình chịu áp lực cho chủ các điểm bơm vá xe trên địa bàn (đã tổ chức 23 lớp với 2.824 người tham dự) và tiến hành kiểm tra an toàn máy nén khí (Thanh tra Sở đã tham gia kiểm tra với 06 quận huyện, kiểm tra 85 điểm bơm vá xe có sử dụng bình chứa không khí nén). Qua kiểm tra đã yêu cầu chủ các điểm bơm vá xe thực hiện đúng quy định về an toàn khi sử dụng thiết bị máy nén khí như trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn và loại bỏ các bình chứa không khí nén không bảo đảm tiêu chuẩn quy định. Hiện nay các quận huyện đang tiếp tục tiến hành kiểm tra, rà soát về an toàn lao động sử dụng bình chứa không khí nén đối với các điểm bơm vá xe trên địa bàn. Bên cạnh đó Thanh tra Sở tăng cường các hoạt động phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội trên địa bàn, xử lý các vi phạm về pháp luật bảo hiểm xã hội. Qua thông tin của cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố, Thanh tra Sở ban hành 1.068 văn bản yêu cầu doanh nghiệp khắc phục vi phạm nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ 141 tỷ đồng. Qua đôn đốc nhắc nhở có 406 doanh nghiệp chủ động khắc phục nợ BHXH với tổng số tiền là 65 tỷ đồng (46,7%); phối hợp thanh tra, xử lý với đối với 52 cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp vi phạm các quy định về chi trả các chế độ, không tham gia BHXH, không chốt trả sổ BHXH đúng quy định, bảo quản sổ, làm hồ sơ BHXH không đúng họ tên người thụ hưởng v.v…
Thanh tra Sở cũng chú trọng tham mưu Giám đốc Sở chỉ đạo xây dựng lực lượng thanh tra, tăng cường bộ máy để đủ sức đảm nhận nhiệm vụ được giao. Trong năm đã tham mưu tuyển dụng bổ sung thêm 6 cán bộ thanh tra, đề xuất phong thanh tra viên cho 10 cán bộ, bổ nhiệm ngạch chuyên viên cho 12 cán bộ, cử 46 lượt cán bộ dự học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, lý luận chính trị do Nhà nước tổ chức, tổ chức 9 cuộc hội thảo nội bộ để tập huấn cho cán bộ thanh tra, thanh tra viên về các nội dung Bộ Luật lao động 2012, Nghị định 95 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động làm việc ở nước ngoài, các quy định mới về bảo hiểm xã hội, công tác an toàn vệ sinh lao động, v.v… Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ thanh tra theo quy định tại Thông tư 1680/2009/TT-TTCP ngày 17/7/2009 của Thanh tra Chính Phủ. Kết quả của việc luân chuyển cán bộ, sắp xếp bộ máy đã từng bước mang lại hiệu quả, phát huy được sở trường của các cán bộ, phát hiện những cán bộ thụ động, không có sức phấn đấu trong công tác để xem xét, chấn chỉnh kịp thời. Đến nay Thanh tra Sở Lao động TBXH đã có 38 thanh tra viên/70 cán bộ công chức thanh tra, đạt tỷ lệ 54%.
Công tác thanh tra năm 2013 của Thanh tra Sở Lao động TBXH đạt được kết quả như trên là nhờ có sự chỉ đạo sâu sát và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh tra của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố, của Ban Giám đốc Sở. Qua thực tiễn công tác, đặc biệt là thực tiễn thanh tra, kiểm tra về chuyên đề lao động – tiền lương tại các doanh nghiệp công ích, chúng tôi càng nhận thức rõ hơn chức năng công cụ của quản lý nhà nước của hoạt động thanh tra, hiểu rõ hơn những bài học kinh nghiệm thực tiễn đúc kết được qua hoạt động thanh tra như sau :
1- Nội dung thanh tra phải bám sát yêu cầu chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ cụ thể cho hoạt động quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Là cơ quan thanh tra chuyên ngành với nhiều lĩnh vực khác nhau như lao động, chính sách xã hội, chính sách người có công, pháp luật về trẻ em và giới v.v... nên trong hoạt động thanh tra, Thanh tra Sở thường xây dựng kế hoạch thanh tra chung việc thực hiện pháp luật thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội quản lý. Đối với hoạt động thanh tra sâu về chuyên đề chỉ mới tập trung được vào một số lĩnh vực như an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội. Căn cứ chỉ đạo của UBND TP và của Ban Giám đốc Sở, năm 2013 Thanh tra Sở đã mở rộng thêm thanh tra chuyên đề về hoạt động dạy nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm, chuyên đề lao động – tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước. Kết quả thanh tra chuyên đề như báo cáo ở phần trên cho thấy hoạt động thanh tra bám sát yêu cầu chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả thanh tra cao hơn hẵn hoạt động thanh tra thường xuyên theo chức năng thanh tra chuyên ngành, thể hiện đúng phương châm chỉ đạo của Thanh tra Thành phố là thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm.
2- Hoạt động thanh tra phải tranh thủ tốt việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan.
Với thực tế là lực lượng cán bộ Thanh tra Sở rất mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ, Thanh tra Sở rất quan tâm khai thác, phát huy sự hỗ trợ của các ngành, cơ quan chức năng liên quan khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra qua các cơ chế phối hợp, thực hiện các chương trình phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra. Trong các năm qua Thanh tra Sở đã xây dựng được quy trình phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố, Liên đoàn lao động TP và các Liên đoàn lao động quận huyện, phối hợp với Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP trong hoạt động theo dõi, xử lý dấu hiệu vi phạm pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện chuyên đề thanh tra về lao động – tiền lương theo chỉ đạo của UBND TP, Đoàn thanh tra đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành về tài chính, thuế nên ghi nhận được những sai phạm quy định về chế độ lao động, tiền lương của cán bộ quản lý của một số doanh nghiệp nhà nước mà nếu thiếu sự phối hợp đối chiếu số liệu quản lý của các ngành hữu quan, chỉ bằng việc kiểm tra đơn thuần của ngành lao động TBXH như trước đây thì không phát hiện được.
3- Hết sức coi trọng việc xử lý khắc phục hậu quả, giám sát khắc phục thiếu sót của đơn vị được thanh tra.
Cũng do lực lượng Thanh tra Sở còn mỏng, trong nhiều năm qua tuy cũng có chỉ đạo cán bộ thanh tra phải đeo bám, theo dõi doanh nghiệp được thanh tra thực hiện nghiêm chỉnh kết luận thanh tra song chất lượng công tác theo dõi xử lý sau thanh tra chưa cao, còn biểu hiện chạy theo sự vụ mà lơ là trách nhiệm giám sát sau thanh tra. Qua việc tham gia thanh tra chuyên đề lao động – tiền lương, được sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố tham gia vào những hoạt động xử lý khắc phục hậu quả, giám sát khắc phục thiếu sót của đơn vị công ích được thanh tra, Thanh tra Sở càng thấm thía và nhận thức sâu sắc hơn bài học về xử lý kết quả thanh tra của lãnh đạo thành phố và trong thời gian tới sẽ tổ chức lại hiệu quả hơn hoạt động theo dõi xử lý sau thanh tra của Thanh tra Sở.
4- Coi trọng công tác xây dựng lực lượng và tổ chức theo dõi thông tin doanh nghiệp theo chuyên ngành quản lý.
Qua thực tiễn thanh tra chuyên đề Thanh tra Sở nhận thấy để thực hiện hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên đề phải có cán bộ có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực chuyên đề thanh tra. Yêu cầu này có thể đáp ứng được khi tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành nhưng không dễ thực hiện khi tổ chức hoạt động thanh tra thường xuyên theo kế hoạch, theo chức năng của cơ quan thanh tra chuyên ngành. Do vậy cơ quan thanh tra chuyên ngành cần có một số cán bộ thanh tra được đào tạo chính quy và có kiến thức sâu về các lĩnh vực chuyên môn thuộc chuyên ngành lao động, thương binh và xã hội làm nòng cốt cho các hoạt động thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thu thập thông tin của doanh nghiệp liên quan đến chuyên ngành thanh tra và theo dõi một cách hệ thống, qua đó phát hiện kịp thời dấu hiệu vi phạm để tổ chức thanh tra, tham mưu kiến nghị xử lý vi phạm, kiểm nghị bổ sung biện pháp quản lý nhà nước.
Trên đây là báo cáo về hoạt động công tác thanh tra lao động năm 2013 của Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, xin được tham luận với hội nghị để các đại biểu cùng nghiên cứu, tham khảo.
Xin cám ơn sự chú ý theo dõi của quý vị đại biểu.
Kính chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Kính chúc quý vị đại biểu và gia đình sức khỏe, một năm mới an khang, thịnh vượng.
Xin cám ơn.-
TTraSLĐ