Lãnh đạo Thanh tra TP. HCM tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC)
Từ 16h00 đến 17h30 ngày 11/12/2013 (Thứ Tư)
---- ¬ ----
Kính thưa:
Ông Dato Ahmad Khusairi Yahaya, Phó Ủy viên – Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Kế hoạch và Chính sách,
Thưa các vị cùng đi trong đoàn:
Hôm nay, Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh rất vinh dự được đón tiếp Đoàn đến thăm và làm việc với đơn vị chúng tôi, lời đầu tiên, thay mặt cán bộ, công chức Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh, tôi gửi lời chúc mừng đến Ông Vụ trưởng và các vị cùng đi trong đoàn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc chuyến thăm và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh của Đoàn thành công tốt đẹp.
Trước hết, tôi xin giới thiệu, cùng dự tiếp Đoàn hôm nay:
- Thanh tra Chính phủ:
1. Ông Nguyễn Hữu Lộc, Hàm Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ;
2. Ông Hà Quang Đông, Thanh tra viên, Vụ Hợp tác Quốc tế, Thanh tra Chính phủ;
3. Ông Vũ Giang Nam, Chuyên viên, Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ.
- Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh:
1. Ông Võ Văn Quận – Phó Chánh Thanh tra;
2. Ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Trưởng phòng Thanh tra Phòng, chống tham nhũng;
3. Bà Lương Thị Nga – Phó Trưởng phòng Thanh tra Phòng, chống tham nhũng;
4. Bà Nguyễn Thanh Phước – Trưởng phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo số 1;
5. Bà Nguyễn Thị Kim Hằng – Phó Trưởng phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo số 2;
6. Bà Lê Thị Hương Nga – Trưởng phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo số 3;
7. Ông Phan Tường Long, Phó Chánh Văn phòng.
Sau đây, tôi xin giới thiệu khái quát về Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức và hoạt động của Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm Kinh tế, Tài chính, Dịch vụ, Du lịch, Khoa học và Công nghệ của cả nước; là đầu mối giao thông liên lạc của cả nước và khu vực. Đây là nơi hoạt động kinh tế năng động nhất, đi đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hàng năm Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp trên 30% tổng ngân sách Nhà nước. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng luôn được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. Chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Hệ thống tổ chức của ngành Thanh tra thành phố bao gồm: Thanh tra thành phố, Thanh tra 22 sở - ngành và Thanh tra 24 quận - huyện với khoảng 2.000 cán bộ, công chức. Trong đó, Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi có 164 cán bộ công chức. Về cơ cấu tổ chức gồm 01 Chánh Thanh tra và 06 Phó Chánh Thanh tra (08 Phòng chuyên môn nghiệp vụ và Văn phòng); Theo quy định của Luật Thanh tra Việt Nam, Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ rất quan trọng và phức tạp trong xây dựng và phát triển đất nước nói chung và tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Do đó với trách nhiệm là cơ quan được giao giúp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và tiến hành thanh tra để làm rõ các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật. Thanh tra thành phố đã tham mưu, đề xuất nhiều biện pháp tích cực nhằm đấu tranh ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng để xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, trong đó, coi trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: Thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập; Thực hiện công khai minh bạch chính sách, pháp luật về mua sắm công, xây dựng cơ bản; về quản lý dự án đầu tư xây dựng; về tài chính và ngân sách nhà nước. Công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân luôn được quan tâm thực hiện hàng năm; công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng được tiến hành thường xuyên nhằm nhắc nhỡ chấn chỉnh các mặt còn hạn chế.
* Một số hành vi tham nhũng thường gặp:
- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
- Tham ô tài sản.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
* Một số lĩnh vực thường xảy ra tham nhũng:
- Quản lý, sử dụng đất đai.
- Thu, chi ngân sách Nhà nước.
- Quản lý, sử dụng tài sản công.
- Dự án đầu tư xây dựng.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống tham nhũng nói riêng, cơ quan thanh tra kiến nghị thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo biện pháp xử lý nghiêm theo qui định pháp luật.
Kính thưa Ông Vụ trưởng và các vị khách quý,
Tôi vừa trình bày một số hoạt động thực tiễn về công tác phòng, chống tham nhũng của Thanh tra thành phố và một số kinh nghiệm thực tiễn tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hy vọng trong buổi làm việc và trao đổi hôm nay, các vị trong Đoàn sẽ góp thêm nhiều kinh nghiệm quý báu cho Thanh tra thành phố, giúp cho công tác phòng, chống tham nhũng của thành phố Hồ Chí Minh ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.
Chân thành cám ơn./.
____________________
Kính thưa Ông Vụ trưởng và các vị khách quý,
Mặc dù thời gian đến thăm và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh của Đoàn rất ít nhưng Đoàn cũng trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Thay mặt lãnh đạo Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh, chân thành cám ơn Ông Vụ trưởng và các vị cùng đi trong Đoàn đã giành thời gian quý báu đến thăm thành phố Hồ Chí Minh.
Xin cám ơn các bạn./.
TMTH