II/. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THAM NHŨNG, CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀ DỰ BÁO TÌNH HÌNH:
1. Đánh giá tình hình tham nhũng
Tình hình tham nhũng trong phạm vi quản lý của Thành phố và nguyên nhân.
Tình hình tham nhũng có những bước tiến triển tích cực so với cùng kỳ năm trước, số lượng các vụ án liên quan đến tham nhũng giảm rõ rệt; hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng; các ngành tư pháp đã tích cực điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp; hành vi tham nhũng tinh vi hơn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Các hành vi tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ vẫn còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực như: Đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, thương mại, tài chính…với những nguyên nhân chủ yếu:
- Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, lỏng lẻo; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Cải cách hành chính chưa chú trọng đúng mức về đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, thái độ phục vụ.
- Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm giải quyết rốt ráo đơn thư tố cáo của công dân liên quan đến tham nhũng và hành vi có liên quan tham nhũng; chưa chủ động thực hiện kiểm tra, thanh tra phòng, chống tham nhũng.
- Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên, dàn đều nên tình hình vi phạm (nhũng nhiễu, vòi vĩnh, …) trong giải quyết công việc liên quan đến công dân và doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để.
- Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, voi vĩnh; có ý làm trái những quy định, quy trình công tác để vụ lợi.
2. Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng
- Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được thường trực Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện rất quyết liệt, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực so với yêu cầu đề ra.
- So với cùng kỳ năm trước thì hiệu lực pháp luật trong mọi lĩnh vực (nói chung) và lĩnh vực phòng, chống tham nhũng (nói riêng) có nâng lên, tình hình dư luận xã hội, tâm tư, hành động của đại bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân đều đồng tình và hưởng ứng thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng nên góp phần tạo ra hiệu quả tốt cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại thành phố.
- Trên cơ sở đánh giá chung về công tác phòng, chống tham nhũng nêu trên, công tác phòng, chống tham nhũng bước đầu có hiệu quả, tình hình tham nhũng từng bước được đẩy lủi.
3. Đánh giá những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng:
3.1. Những khó khăn, vướng mắc:
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giao dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng tuy được quan tâm bằng nhiều thức phong phú và đạt một số hiệu quả nhất định, nhưng xét về yêu cầu vẫn còn một số hạn chế như: thiếu tính hệ thống, thiếu sự gắn kết, phối hợp giữa các cấp, các ngành; nội dung tuyên truyền chưa thật sự hấp dẫn, nhiều nơi thực hiện chưa thường xuyên; chưa có sự tác động làm thay đổi căn bản nhận thức, quan điểm của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức về tham nhũng; việc tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân trong phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế.
- Công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở một số đơn vị, cơ sở chưa đạt yêu cầu, chất lượng kiểm tra, thanh tra chưa sâu; khả năng tự phát hiện tham nhũng trong đơn vị chưa cao. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng (Thanh tra, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát) về cung cấp thông tin và tiến độ xử lý tham nhũng có vụ chưa đạt yêu cầu.
- Việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng vào thực tế địa phương, nhất là tại xã – phường và các doanh nghiệp, Tổng Cty có vốn nhà nước còn lung túng: mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa rõ nét, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp để việc phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn.
- Nhiều cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong việc thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức do thời gian chuyển đổi theo quy định ngắn nên khó thực hiện (quy định 03 năm phải chuyển đổi); số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, có tính đặc thù cũng khó chuyển đổi.
- Công tác kê khai, minh bạch tài sản thu nhập tại một số cơ quan, đơn vị còn thiếu sót như: không lập phiếu giao nhận, kê khai sai mẫu, công khai không đúng thời gian quy định…
- Dư luận trong nhân dân, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hài lòng kết quả cải cách thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực nhà, đất, quy hoạch, dự án đầu tư của một số sở - ngành, quận – huyện, việc cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất; thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục các dự án đầu tư cho công dân, doanh nghiệp vẫn còn chậm; tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, vẫn còn tình trạng làm khó, làm chậm để sách nhiễu, vòi vĩnh. Mặt khác, một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn có suy nghĩ phải đưa bao thư, phong bì có tiền cho cán bộ, công chức để được giải quyết công việc sớm, tạo thêm tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp hơn.
3.2. Nguyên nhân những mặt hạn chế:
* Nguyên nhân khách quan:
Việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật, nhiều nội dung đòi hỏi áp dụng các biện pháp tổng hợp, có liên quan đến quy định của các văn bản pháp luật khác nhau, do đó cần có thời gian nghiên cứu để triển khai thực hiện; mặt khác, do chưa có cơ chế quy định cụ thể mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng, chống tham nhũng đã làm hạn chế đến kết quả thực hiện.
* Nguyên nhân chủ quan:
- Một số Cấp ủy, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị vẫn chưa quan tâm đúng mức công tác phòng, chống tham nhũng, còn ngại đụng chạm; Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại một số đơn vị, địa phương chưa duy trì tốt chế độ hội họp để chỉ đạo, có nơi còn lúng túng trong việc đề ra các giải pháp, phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng hoặc có làm nhưng thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa quan tâm đúng mức công tác kiểm tra phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.
- Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh; cố ý làm trái những quy định, quy trình công tác để vụ lợi.
- Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên nên tình hình vi phạm (nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hối lộ…) trong giải quyết công việc lien quan đến công dân và doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để.
- Một số sở - ngành của thành phố chậm triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố (giai đoạn 2).
- Công tác xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cụ thể với nhiệm vụ tại đơn vị, địa phương mình.
4. Dự báo tình hình tham nhũng:
4.1. Dự báo tình hình tham nhũng trong thời gian tới:
Thành phố đang thực hiện các giải pháp cơ bản đã có tác động hiệu quả, tuy nhiên công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội trong sự vận hành của nền kinh tế thị trường vẫn còn nhiều bất cập; một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức bị tha hóa, suy thoái về đạo đức, tư tưởng; việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức còn bị buông lỏng… dẫn đến khả năng tình hình tham nhũng trong thời gian tới sẽ diến biến ngày càng phức tạp hơn.
4.2. Dự báo những lĩnh vực, nhóm hành vi tham nhũng dễ xảy ra nhiều trong thời gian tới cần phải tập trung các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh:
Trong tình hình hiện nay tăng cường các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng ở mọi lĩnh vực là cấp bách, những lĩnh vực, nhóm hành vi tham nhũng có khả năng dễ xảy ra nhiều trong thời gian tới như: Lĩnh vực đất đai, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mua sắm tài sản công, các dự án có nguồn vốn từ ngân sách, vốn kinh doanh của đơn vị nhà nước, dịch vụ công; Công tác cán bộ, luân chuyển cán bộ nếu thiếu cảnh giác sẽ là môi trường thuận lợi phát sinh hành vi tiêu cực, trù dập cán bộ, mua chức, chạy chức để nắm được quyền lực.
III/ Trọng tâm công tác trong thời gian tới:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các Nghị quyết của Đảng và luật pháp của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng gắn với triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ và tiếp tục dẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
- Tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập trên địa bàn thành phố; Chỉ thị, Kế hoạch của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về công tác cán bộ, thực hiện việc rà soát, sắp xếp, luân chuyển, bố trí cán bộ để tăng cường củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các đơn vị trọng yếu bảo đảm yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
- Tiếp tục rà soát, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị.
- Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; tăng cường giáo dục liêm chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng như Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 69/2009/QĐ-UBND ngày 21/9/2009 của UBND thành phố Hồ Chí Minh).
- Chú trọng vào công tác thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại các sở-ngành, địa phương. Tiến hành thanh tra đối với tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực cũng như xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng.
PX Bảo