SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
3
6
7
0
3
5
Tin tức sự kiện 04 Tháng Mười Một 2013 9:25:00 SA

(TTTP) ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU Thông tư quy định thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại (Phần 1)

 

II. NỘI DUNG THÔNG TƯ

1. Bố cục:

Thông tư được quy định gồm 6 chương 29 điều, cụ thể:

Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 4)

Chương II. Thẩm quyền thanh tra trách nhiệm (từ Điều 5 đến Điều 9)

Chương III. Nội dung thanh tra trách nhiệm (từ Điều 10 đến Điều 27), gồm 3 mục, là: Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân; nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại; nội dung thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật về khiếu nại.

Chương IV. Điều khoản thi hành (Điều 28 và Điều 29)

2. Một số nội dung chủ yếu của Thông tư

2.1. Những quy định chung

Chương này bao gồm quy định phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước; trách nhiệm của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

a) Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư xác định phạm vi điều chỉnh về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại được áp dụng theo Luật Thanh tra 2010 và Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.

b) Đối tượng áp dụng:

Thông tư xác định 03 nhóm đối tượng chính là: Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra khi thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về khiếu nại; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân trong các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan.

c) Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước; của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan:

Được quy định cụ thể tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư, theo đó Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại; giải quyết khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời kiến nghị của cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra; kết luận thanh tra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật. Đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra có trách nhiệm báo cáo, giải trình, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của người có thẩm quyền. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người có thẩm quyền tiến hành thanh tra.

2.2. Thẩm quyền thanh tra trách nhiệm

Thông tư quy định rõ về thẩm quyền của mỗi cơ quan thanh tra: Thanh tra Chính phủ (Điều 5); Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 6); Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 7); Thanh tra sở (Điều 8); Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (Điều 9). Điều này giúp cho việc xác định thẩm quyền rõ ràng, tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra trách nhiệm.

2.3. Nội dung thanh tra trách nhiệm

 Thông tư phân chia 03 nhóm hoạt động chính, tương ứng với 03 mục trong chương III, cần được tiến hành thanh tra trách nhiệm trong thực hiện pháp luật khiếu nại, đó là:

- Mục 1 chương III quy định nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, gồm: thực hiện các quy định của pháp luật về Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân, tổ chức tiếp công dân; về việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; việc theo dõi, tổng hợp tình hình khiếu nại, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân.

- Mục 2 chương III quy định nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, gồm: thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về việc thụ lý giải quyết khiếu nại; về thời hạn giải quyết khiếu nại; về tổ chức đối thoại; về áp dụng biện pháp khẩn cấp, việc đình chỉ giải quyết khiếu nại; về xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, xác minh nội dung khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại; về công khai quyết định giải quyết khiếu nại; về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; xử lý vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài; về phối hợp xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung.

- Mục 3 chương III quy định nội dung thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công ác giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật về khiếu nại, gồm: thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về khiếu nại theo thẩm quyền; về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại; về thanh tra trách nhiệm; chế độ thông tin, báo cáo, quản lý và lưu trữ hồ sơ giải quyết vụ việc khiếu nại; việc xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

2.4. Điều khoản thi hành

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2013./.

Trần Đình Trữ

Trưởng phòng Pháp chế TTTP

 


Số lượt người xem: 3545    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm