SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
3
6
9
6
6
3
Tin tức sự kiện 14 Tháng Mười 2013 2:35:00 CH

(TTTP) Những Nội dung cơ bản của NĐ số 90/2013/NĐ-CP ngày 8/8/2013 của Chính phủ quy định trách nhiệm giải trình của CQNN trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao

 

Tải file đính kèm

 

Nghị định 90/2013/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 08 tháng 8 năm 2013 quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nghị định được ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu luật hóa việc xác định trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 30 tháng 9 năm 2013.

Phòng Pháp chế phối hợp với Chi hội Luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị định như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện những chủ trương, chính sách, giải pháp đó đã mang lại kết quả bước đầu quan trọng, được nhân dân đồng tình, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Mặc dù vậy, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Trong các giải pháp phòng, chống tham nhũng, việc nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức cũng như của các cơ quan nhà nước, nhất là những cơ quan trực tiếp giải quyết công việc của công dân và doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Đây là yếu tố quan trọng có tính chất nền tảng căn bản cho cuộc đấu tranh chống tệ tham nhũng, lãng phí, hách dịch, cửa quyền trong hoạt động của bộ máy nhà nước.  

 Ngày 12 tháng 5 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Một trong những mục tiêu của Chiến lược là “Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trên cơ sở xây dựng nền công vụ hiệu quả, minh bạch, phục vụ nhân dân và xã hội, với đội ngũ cán bộ, công chức trung thực, công tâm, liêm khiết, tận tụy, chuyên nghiệp và được trả lương hợp lý; các chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp được củng cố và phát triển”. Kế hoạch thực hiện Chiến lược giai đoạn 2009 – 2011 đề ra nhiệm vụ xây dựng Nghị định về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Kết quả sơ kết Giai đoạn 1 thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng và Tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng cho thấy các biện pháp phòng, chống tham nhũng vẫn chưa mang lại những hiệu quả như mong đợi, đặc biệt tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước mặc dù đã có sự cải thiện phần nào nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của việc phòng, chống tham nhũng.

Để nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngày 23 tháng 11 năm 2012, Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. Đạo luật này đã bổ sung Điều 32a vào Điều 32 trong Luật Phòng chống tham nhũng nội dung như sau: “1. Khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức,cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. 2. Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ quan có nghĩa vụ giải trình; trình tự, thủ tục của việc giải trình”. Thực hiện quy định trên của Luật, Chính phủ có trách nhiệm xây dựng và ban hành Nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Cho đến nay, mặc dù đã có Luật Cán bộ, công chức và nhiều văn bản pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ công chức, về công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị nhưng chưa có một văn bản pháp luật nào đưa ra những quy định cụ thể về việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ cũng như của các cơ quan nhà nước. Do đó, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị định sẽ có tác động mạnh mẽ lên thái độ, trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Đồng thời, Nghị định cũng sẽ trở thành công cụ pháp lý quan trọng để tăng cường sự giám sát của người dân đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước; là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Việc thực hiện trách nhiệm giải trình còn góp phần tăng cường sự đối thoại giữa người dân và cơ quan nhà nước. Các tổ chức và người dân có điều kiện tiếp cận dễ dàng với các thông tin, quyết định quản lý của các cơ quan nhà nước, qua đó việc thực hiện các quyết định này sẽ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, nếu thực hiện tốt trách nhiệm giải trình sẽ giảm một phần đáng kể các khiếu nại của người dân đến các cơ quan nhà nước.

II. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH

Nghị định quy định trách nhiệm giải trình được thực hiện trên cơ sở quán triệt những quan điểm và nguyên tắc cơ bản sau:

- Nghị định quy định trách nhiệm giải trình được xây dựng phải tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền yêu cầu giải trình, đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức trong giải trình về việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội;

- Nghị định phải có kết cấu, bố cục hợp lý; nội dung thiết thực, có tính khả thi; bảo đảm tính hợp Hiến, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và khả năng thi hành của Nghị định; các quy định của Nghị định không cản trở việc thực hiện Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

III. BỐ CỤC, NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA NGHỊ ĐỊNH

1. Bố cục của Nghị định

Nghị định gồm 4 chương, 20 điều, cụ thể như sau:

Chương I. Quy định chung: gồm 06 điều (từ Điều 1 đến Điều 6), quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc thực hiện và áp dụng pháp luật về trách nhiệm giải trình; những nội dung không thuộc phạm vi trách nhiệm giải trình; điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình.

Chương II. Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình và người giải trình: gồm 04 điều (từ Điều 7 đến Điều 10), quy định về quyền của người yêu cầu giải trình; nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình, quyền của người giải trình, nghĩa vụ của người giải trình.

Chương III. Trình tự, thủ tục thực hiện việc giải trình: gồm 05 điều (từ Điều 11 đến Điều 15), quy định về yêu cầu giải trình; tiếp nhận yêu cầu giải trình; thời hạn thực hiện việc giải trình; thực hiện việc giải trình; tạm dừng, đình chỉ việc giải trình theo yêu cầu.

Chương IV. Tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành: gồm 05 điều (từ Điều 16 đến Điều 20) quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong tổ chức thực hiện trách nhiệm giải trình; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình; xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về trách nhiệm giải trình; hiệu lực thi hành; trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện.

2. Nội dung chủ yếu của Nghị định

2.1. Phạm vi và đối tượng áp dụng của Nghị định

- Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1):

Nghị định điều chỉnh các quan hệ trong quá trình thực hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước giải trình theo yêu cầu, cụ thể gồm: điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình; quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ giải trình theo yêu cầu, trình tự, thủ tục giải trình, nội dung giải trình và việc bảo đảm thực hiện trách nhiệm giải trình.

Theo đó, Nghị định chỉ điều chỉnh việc giải trình của cơ quan nhà nước về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó theo tinh thần của Điều 32a Luật Phòng, chống tham nhũng. Việc giải trình này là giải trình của cơ quan nhà nước trước xã hội chứ không phải giải trình trong nội bộ cơ quan nhà nước. Giải trình ở đây không bao gồm việc giải trình chủ động mà chỉ giải trình khi có yêu cầu của tổ chức, công dân.

- Về đối tượng áp dụng (Điều 2):

Đối tượng áp dụng của Nghị định được chia làm 02 nhóm. Nhóm 1 là các cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc giải trình bao gồm các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình; nhóm 2 là nhóm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu giải trình bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế; các tổ chức nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; công dân Việt Nam, người nước ngoài sinh sống hoặc làm việc tại Việt Nam có yêu cầu giải trình.

2.2. Nguyên tắc thực hiện và áp dụng pháp luật về trách nhiệm giải trình

Điều 4 Nghị định quy định về nguyên tắc thực hiện cụ thể là: Bảo đảm công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời và đúng thẩm quyền; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Quy định này giúp cho việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm giải trình tuân thủ theo đúng các nguyên tắc cần thiết, phát huy được hiệu lực.

Về nguyên tắc áp dụng: Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định về trách nhiệm giải trình thì áp dụng theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó. Quy định này giúp đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ trong việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm giải trình, đảm bảo khi các văn bản pháp luật chuyên ngành có quy định chi tiết, cụ thể về việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong ngành, lĩnh vực đó thì áp dụng theo quy định tại văn bản đó.

2.3. Những nội dung không thuộc phạm vi trách nhiệm giải trình

Điều 5 Nghị định quy định các nội dung không thuộc trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải trình, bao gồm:

   - Nội dung thông tin liên quan đến bí mật nhà nước;

  - Những nội dung liên quan đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan nhà nước; trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới;

- Nội dung thông tin thuộc bí mật đời tư;                                                                                                                                                                                                                                     

- Nội dung thông tin thuộc bí mật kinh doanh;

- Các nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết.

- Các yêu cầu giải trình sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của cơ quan nhà nước tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Việc quy định nội dung không thuộc phạm vi trách nhiệm giải trình sẽ giúp cho các cơ quan có trách nhiệm giải trình xác định được rõ những nội dung sẽ không được tiếp nhận để giải trình, đây đều là những nội dung cơ quan nhà nước không được phép cung cấp thông tin để đảm bảo quyền cơ bản của tổ chức, cá nhân, những nội dung đã được giải trình hoặc thụ lý giải quyết, những nội dung mang tính chất nội bộ trong mối quan hệ hoạt động của cơ quan nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định, những nội dung đã qua thời gian lâu, rất khó khăn trong việc thu thập thông tin, nghiên cứu để cung cấp thông tin, giải thích cho người dân.

2.4. Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình và người giải trình

Điều 7 Nghị định quy định người yêu cầu giải trình có quyền: Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện yêu cầu giải trình; được rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu giải trình; được nhận văn bản giải trình của cơ quan có trách nhiệm giải trình. Tương ứng với các quyền, người yêu cầu giải trình có nghĩa vụ: Thực hiện các trình tự, thủ tục về yêu cầu giải trình theo quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; trình bày rõ ràng, trung thực, có căn cứ về nội dung yêu cầu giải trình; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình.

Nghị định cũng quy định cho người giải trình những quyền và nghĩa vụ tương ứng. Điều 9 quy định về quyền của người giải trình cụ thể như sau: Yêu cầu người yêu cầu giải trình cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình; yêu cầu người yêu cầu giải trình thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; bổ sung hoặc đính chính các thông tin trong văn bản giải trình nhằm làm rõ, chính xác và đầy đủ hơn các nội dung giải trình; ngoài các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này, khi giải trình trực tiếp, người giải trình có quyền từ chối giải trình trong các trường hợp sau đây: Người yêu cầu giải trình đang trong tình trạng không kiểm soát được hành vi do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích khác; người được ủy quyền, người đại diện không có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật; người yêu cầu giải trình có hành vi gây rối trật tự, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người giải trình.

Cùng với quyền, người giải trình có các nghĩa vụ sau: Tiếp nhận yêu cầu giải trình thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; hướng dẫn người yêu cầu giải trình thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan; giải quyết yêu cầu giải trình theo đúng hình thức, trình tự, thủ tục và thời hạn quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan (theo Điều 10 Nghị định).

Việc quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình và người giải trình nhằm giúp cho các bên nắm chắc những việc được làm và phải làm trong quá trình thực hiện yêu cầu giải trình, đồng thời các bên có sự phối hợp tốt với nhau để việc giải trình đạt kết quả mong muốn.

2.5. Điều kiện thực hiện yêu cầu giải trình và trình tự, thủ tục thực hiện việc giải trình

a) Điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình được quy định tại Điều 6 của Nghị định. Các quy định này xác lập phạm vi và các điều kiện yêu cầu giải trình, cụ thể như sau:

- Cá nhân yêu cầu giải trình phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc thông qua người đại diện hợp pháp; cơ quan, tổ chức yêu cầu giải trình phải thông qua người đại diện hợp pháp;

- Nội dung yêu cầu giải trình liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải trình;

  - Nội dung yêu cầu giải trình thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ quan được yêu cầu.

Như vậy, điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình bao gồm cả điều kiện về mặt chủ thể (người yêu cầu giải trình), điều kiện về nội dung yêu cầu giải trình. Để yêu cầu giải trình được tiếp nhận, phải đồng thời đáp ứng được tất cả các điều kiện đó, nếu không đáp ứng được bất kỳ một trong các điều kiện thì yêu cầu giải trình sẽ không được tiếp nhận. Giải trình khi có yêu cầu có ưu điểm tạo thêm cơ hội tiếp cận thông tin cho người dân, tuy nhiên cũng là một nguy cơ dễ gây ra những rối loạn trong hoạt động của bộ máy nhà nước nếu người dân yêu cầu giải trình tràn lan. Do đó, những quy định về điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình cũng góp phần hạn chế những yêu cầu giải trình không liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và không thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ quan được yêu cầu.

b) Trình tự, thủ tục của việc tiếp nhận và thực hiện giải trình theo yêu cầu được quy định cụ thể tại các điều từ Điều 11 đến Điều 14 của Nghị định. Cụ thể như sau:

Việc yêu cầu giải trình được thực hiện bằng văn bản hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải trình.

Đối với những yêu cầu giải trình trực tiếp và có nội dung đơn giản, người giải trình có thể thực hiện giải trình trực tiếp và đề nghị người yêu cầu giải trình xác nhận vào biên bản đã thực hiện xong việc giải trình.

Đối với những yêu cầu giải trình thực hiện bằng văn bản, văn bản yêu cầu giải trình phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, trường hợp người nước ngoài có yêu cầu giải trình, thì văn bản yêu cầu giải trình phải được dịch sang tiếng Việt; ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại (hoặc địa chỉ thư tín khi cần liên hệ) của cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải trình; thể hiện rõ nội dung yêu cầu giải trình. Văn bản yêu cầu được gửi trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính.

Trong trường hợp người yêu cầu giải trình trực tiếp trình bày tại cơ quan nhà nước thì người yêu cầu giải trình trình bày rõ ràng nội dung yêu cầu với cán bộ, công chức tiếp nhận yêu cầu giải trình, trường hợp nhiều người cùng yêu cầu giải trình về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày, việc cử người đại diện được thể hiện bằng văn bản; sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, trường hợp người nước ngoài yêu cầu giải trình thì người đó phải sử dụng người phiên dịch tiếng Việt của mình trong quá trình thực hiện yêu cầu giải trình; cán bộ, công chức tiếp nhận yêu cầu giải trình phải thể hiện trung thực nội dung yêu cầu giải trình bằng văn bản; ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại (hoặc địa chỉ thư tín khi cần liên hệ) của người yêu cầu giải trình; người yêu cầu giải trình ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

Sau khi tiếp nhận và vào Sổ theo dõi, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu, người giải trình phải thông báo cho người yêu cầu về việc tiếp nhận hoặc từ chối và nêu rõ lý do, trường hợp yêu cầu giải trình không thuộc trách nhiệm thì hướng dẫn người yêu cầu gửi đến đúng cơ quan có trách nhiệm giải trình, trường hợp nội dung yêu cầu đã được giải trình và người yêu cầu khác với người đã yêu cầu trước đây thì cung cấp bản sao văn bản giải trình cho người đó, tiến hành lưu giữ hồ sơ các yêu cầu giải trình đã được tiếp nhận theo quy định của pháp luật về văn thư lưu trữ.

Trường hợp đúng thẩm quyền, trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày ra thông báo tiếp nhận yêu cầu giải trình (trường hợp có nội dung phức tạp thì có thể gia hạn thời gian giải trình, thời gian gia hạn thực hiện việc giải trình không quá 15 ngày, kể từ ngày gia hạn và phải thông báo bằng văn bản đến người yêu cầu giải trình), người giải trình phải: Nghiên cứu nội dung yêu cầu giải trình; thu thập, xác minh thông tin có liên quan; làm việc trực tiếp với người yêu cầu giải trình để làm rõ những nội dung có liên quan (nếu thấy cần thiết), nội dung làm việc được lập thành biên bản có chữ ký của các bên; ban hành văn bản giải trình và gửi văn bản giải trình đến người yêu cầu giải trình, trong trường hợp cần thiết thì công bố công khai văn bản giải trình theo quy định của pháp luật.

Văn bản giải trình phải đảm bảo các nội dung sau: Tên, địa chỉ người yêu cầu giải trình; nội dung yêu cầu giải trình; kết quả làm việc trực tiếp với tổ chức, cá nhân (nếu có); các căn cứ pháp lý để giải trình; nội dung giải trình cụ thể theo từng yêu cầu.

c) Về việc tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải trình theo yêu cầu:

Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 15 Nghị định, theo đó người đứng đầu cơ quan nhà nước thông báo bằng văn bản về việc tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải trình trong trường hợp cụ thể sau:

- Tạm đình chỉ việc giải trình khi cá nhân có yêu cầu giải trình đã chết mà chưa có người kế thừa quyền, nghĩa vụ trong vụ việc yêu cầu giải trình; cơ quan, tổ chức bị chia tách, sáp nhập, giải thể mà chưa có cá nhân, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ trong vụ việc yêu cầu giải trình.

Người giải trình tiếp tục thực hiện việc giải trình khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn.

- Đình chỉ việc thực hiện giải trình khi người yêu cầu giải trình rút yêu cầu giải trình.

  Quy định này giúp đảm bảo tính chặt chẽ trong trình tự, thủ tục thực hiện việc giải trình và quyền, nghĩa vụ của các bên khi thực tế phát sinh một lý do khiến cho việc giải trình không thể tiếp tục thực hiện ngay hoặc không cần tiếp tục thực hiện.

2.6. Về việc bảo đảm thực hiện việc giải trình

Để thực hiện các quy định về trách nhiệm giải trình một cách hiệu quả, Nghị định quy định các nội dung bảo đảm thực hiện, bao gồm:

a) Quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong tổ chức thực hiện trách nhiệm giải trình:

Cụ thể hóa việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong Nội quy, Quy chế làm việc của cơ quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình; Tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý thực hiện hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm giải trình và xử lý trong trường hợp vi phạm quy định về trách nhiệm giải trình. (Điều 16 Nghị định).

Vì các quy định của Nghị định chỉ mang tính chất chung nhất trong khi mỗi ngành, lĩnh vực, mỗi cơ quan lại có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức hoạt động mang tính đặc thù. Do đó, quy định này đảm bảo các cơ quan nhà nước phải cụ thể hoá quy định việc thực hiện trách nhiệm giải trình phù hợp với cơ quan mình để đạt hiệu quả thực hiện cao nhất. Người đứng đầu là người có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này cũng như kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định trong toàn cơ quan.

b) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về trách nhiệm giải trình:

Nghị định quy định các nguyên tắc chung trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về trách nhiệm giải trình như sau: Cơ quan nhà nước cấp trên có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước cấp dưới; Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ thanh tra, kiểm tra thực hiện trách nhiệm giải trình của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 17 Nghị định).

c) Xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về trách nhiệm giải trình:

Điều 18 Nghị định quy định cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan nhà nước không chấp hành nghiêm quy định về thực hiện trách nhiệm giải trình theo các quy định tại Nghị định này thì tùy tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

d) Trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện.

Điều 20 Nghị định quy định:

- Tổng Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định này.

- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Trần Đình Trữ

Trưởng phòng Pháp chế


Số lượt người xem: 4287    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm