SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
3
6
9
7
1
4
Tin tức sự kiện 14 Tháng Mười 2013 2:25:00 CH

(TTTP) Những nội dung cơ bản của Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ quy định về minh bạch tài sản, thu nhập

 

Tải file đính kèm

 

Ngày 17 tháng 7 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập. Nghị định được ban hành dựa trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2013.

Phòng Pháp chế phối hợp với Chi hội Luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị định như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH MINH BẠCH TÀI SẢN, THU NHẬP

Ngày 29 tháng 11 năm 2005, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 về minh bạch tài sản, thu nhập quy định chi tiết việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập; xử lý vi phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong tổ chức thực hiện. Minh bạch tài sản, thu nhập cá nhân là biện pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá việc thực hiện và năm 2012, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X và Luật PCTN trong đó có đánh giá về giải pháp minh bạch tài sản, thu nhập. Qua đó cho thấy mặc dù việc kê khai tài sản, thu nhập đã thu được những kết quả bước đầu, nhưng vẫn còn gặp một số hạn chế sau:

- Việc tổ chức thực hiện còn nặng về hình thức, chưa giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo dõi được biến động về tài sản của người có nghĩa vụ phải kê khai.

- Quy định về việc xác minh tài sản, thu nhập chưa tạo được tính chủ động nhằm làm rõ tính trung thực của việc kê khai.

- Bản kê khai tài sản, thu nhập chưa được công khai đầy đủ như quy định.

- Tác dụng phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thông qua biện pháp kê khai tài sản, thu nhập còn rất hạn chế, chưa bảo đảm yêu cầu về minh bạch tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Do đó việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn chưa thực hiện được.

Kết quả hạn chế có nguyên nhân từ nhận thức, tổ chức, thực hiện và từ những quy định còn nhiều bất cập.

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong trong các quy định trước đây, tăng cường việc công khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập theo các quy định của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng ngày 23/11/2012, Quốc hội khóa XIII (kỳ họp thứ tư) đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN, trong đó sửa đổi, bổ sung một số quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 quy định chi tiết thực hiện về minh bạch tài sản, thu nhập thay thế Nghị định 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 và Nghị định 68/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011 về minh bạch tài sản, thu nhập.

II. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH

Nội dung Nghị định được ban hành hướng đến mục tiêu hoàn thiện theo yêu cầu của Đảng, của Công ước của Liên hiệp Quốc về phòng, chống tham nhũng và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Để đảm bảo yêu cầu tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi khi thực hiện và khắc phục tồn tại từ tổng kết thực tiễn thực hiện nên các quy định mới hướng tới tăng cường các biện pháp kiểm soát tính trung thực của bản kê khai tài sản, thu nhập, qua đó nâng cao hiệu quả của giải pháp đối với phòng, chống tham nhũng. Vì thế, các quy định được đưa ra dựa trên 3 quan điểm chủ yếu sau:

1. Việc xây dựng quy định về minh bạch tài sản, thu nhập phải khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thời gian qua; bám sát các quy định của Luật PCTN và các quy định khác có liên quan của Đảng và Nhà nước.

2. Các quy định phải có nội dung rõ ràng, dễ hiểu, dễ tổ chức thực hiện, bảo đảm tính khả thi cao, lược bỏ những thủ tục không cần thiết; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, bổ sung những chế tài xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

3. Các quy định về kê khai, công khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập, phân công trách nhiệm phải tạo tiền đề cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cũng như đối với toàn xã hội trong thời gian tới.

III. NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CỦA LUẬT PCTN NĂM 2012 VỀ MINH BẠCH TÀI SẢN, THU NHẬP

Về minh bạch tài sản, thu nhập, Luật sửa đổi, bổ sung số 27/2012/QH13 đã bổ sung và sửa đổi một số nội dung sau:

1. Nội dung bổ sung

- Bổ sung Điều 46a quy định về “công khai bản kê khai tài sản, thu nhập” theo đó, Bản kê khai tài sản của Người có nghĩa vụ kê khai phải công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải công khai ở hội nghị cử tri nơi công tác của người đó; người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Bổ sung Điều 46b quy định về “nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm” theo đó Người kê khai tài sản, thu nhập có nghĩa vụ phải giải trình vê nguồn gốc tài sản của mình tăng thêm trong kỳ kê khai.

- Bổ sung Điều 47a về thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản theo đó nêu rõ thẩm quyền yêu cầu xác minh của tổ chức, cá nhân đối với các chức danh cụ thể, đặc biệt là thẩm quyền yêu cầu xác minh của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác trong trường hợp có kết luận người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm liên quan đến hành vi tham nhũng.

2. Nội dung sửa đổi

             Sửa đổi điều 47 về căn cứ xác minh theo hướng mở rộng điều kiện xác minh, cụ thể như sau:

- Giữ nguyên Phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản khi xét thấy cần thiết”.

- Bổ sung căn cứ tại Điểm a Khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai và Điểm c “Khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý”.

IV. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA NGHỊ ĐỊNH 78/2013/NĐ-CP

1. Bố cục

Nghị định gồm 6 chương, 35 điều và 02 phụ lục.

- Chương I. Những quy định chung: gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6), quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích một số từ ngữ; xác định mục đích kê khai tài sản, thu nhập; trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai và những hành vi bị nghiêm cấm.

- Chương II. Kê khai tài sản, thu nhập: gồm 6 điều (từ Điều 7 đến điều 12) quy định cụ thể người có nghĩa vụ kê khai; tài sản, thu nhập phải kê khai; trình tự, thủ tục kê khai, tiếp nhận Bản kê khai; quản lý, sử dụng Bản kê khai; thủ tục khai thác, sử dụng Bản kê khai và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc kê khai, công khai, quản lý Bản kê khai tài sản, thu nhập.

- Chương III. Công khai bản kê khai và giải trình việc kê khai tài sản, thu nhập: gồm 4 điều (từ Điều 13 đến điều 16) quy định về hình thức, thời điểm công khai Bản kê khai; phạm vi công khai Bản kê khai tại cuộc họp; giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm và giải trình về việc kê khai tài sản, thu nhập.

- Chương IV. Xác minh tài sản, thu nhập: gồm 11 điều (từ Điều 17 đến Điều 27) quy định về quyết định xác minh tài sản, thu nhập; cơ quan, đơn vị xác minh tài sản, thu nhập; nội dung xác minh tài sản, thu nhập; hoạt động xác minh tài sản, thu nhập; quyền hạn, trách nhiệm của người xác minh; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; biên bản làm việc; báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập; kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; công khai kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập.

- Chương V. Xử lý vi phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập: gồm 4 điều (từ Điều 28 đến Điều 31), quy định việc xử lý các trường hợp vi phạm về thời hạn; xử lý việc kê khai, giải trình không trung thực; xử lý trách nhiệm trong việc xác minh tài sản, thu nhập; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người vi phạm.

- Chương VI. Tổ chức thực hiện: gồm 4 điều (từ Điều 32 đến Điều 35) quy định trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và tổng hợp kết quả về minh bạch tài sản, thu nhập; việc giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.

- Phụ lục số 01. Danh mục người phải kê khai tài sản, thu nhập theo Khoản 9 Điều 7 Nghị định minh bạch tài sản, thu nhập: xác định cụ thể những vị trí công tác phải kê khai tài sản, thu nhập đối với người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

- Phụ lục số 02. Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập: xác định cụ thể những  tiêu chí phải kê khai về tài sản, thu nhập và việc tự giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm khi kê khai tài sản, thu nhập.

2. Nội dung chủ yếu của Nghị định

2.1. Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

Nghị định quy định phạm vi điều chỉnh gồm việc kê khai, công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm; xác minh tài sản, thu nhập; xử lý vi phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong tổ chức thực hiện.

Đối tượng áp dụng gồm người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc kê khai, công khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập, xử lý vi phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Nghị định 78/2013/NĐ-CP giữ nguyên như quy định tại Nghị định số 37/2007/NĐ-CP, Nghị định số 68/2011/NĐ-CP và bổ sung thêm những nội dung mà Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN (năm 2012) giao Chính phủ quy định chi tiết liên quan đến giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, trình tự, thủ tục trong việc xác minh tài sản, thu nhập.

2.2. Về việc xác định tài sản phải kê khai và giá trị tài sản khi kê khai.

Nhằm giúp cho người phải kê khai tài sản nhận biết rõ ràng, chính xác về những tài sản phải kê khai theo quy định của Luật PCTN, Nghị định quy định rõ tài sản, thu nhập kê khai phải là tài sản thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng của bản thân, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên tại thời điểm hoàn thành bản kê khai. Nghị định cũng quy định cách xác định giá trị tài sản bằng tiền phải trả khi mua, khi nhận chuyển nhượng, xây dựng hoặc giá trị ước tính khi được cho, tặng, thừa kế.

2.3. Về người có nghĩa vụ kê khai

Nhằm khắc phục tính không thống nhất, bất hợp lý về xác định đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập trước đây, Nghị định đã quy định đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm cán bộ, công chức giữ chức vụ có phụ cấp trách nhiệm tương đương phó trưởng phòng cấp huyện trở lên, một số công chức, viên chức, người lao động thường xuyên tiếp xúc và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. So với quy định hiện hành, đối tượng phải kê khai thay đổi như sau:

- Bổ sung thêm: người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân; công chức ngạch thẩm tra viên; thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên trong doanh nghiệp nhà nước; người đại diện phần vốn của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và giữ chức danh quản lý từ phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước; cán bộ tư pháp – hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Không quy định những người thuộc ngạch Bác sỹ chính, Dược sỹ chính, Giảng viên chính, Nghiên cứu viên chính phải kê khai. Đối với Kế toán trưởng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên của Nhà nước thuộc nhóm đối tương không giữ chức vụ do đó được quy định tại Danh mục kèm theo.

2.4. Về tài sản, thu nhập phải kê khai và Mẫu Bản kê khai tài sản.

Nghị định giữ nguyên hầu hết quy định hiện hành về tài sản, thu nhập phải kê khai vì đã phù hợp với quy định của Luật PCTN. Tuy nhiên, để khắc phục những vướng mắc trong việc xác định tài sản, thu nhập khi kê khai; tăng cường kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập, nhất là đối với những tài sản thuộc diện Nhà nước quản lý (phải đăng ký sử dụng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận), Nghị định quy định phải kê khai cả các khoản tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài; tổng thu nhập trong năm; ô tô, mô tô, xe máy, tầu, thuyền và những động sản khác mà Nhà nước quản lý có tổng giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên. Nghị định tiếp tục quy định phải kê khai các khoản nợ phải trả, nhằm bảo đảm sự minh bạch về nguồn của tài sản đã kê khai.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, công khai, đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, Nghị định quy định thống nhất 01 Mẫu Bản kê khai tài sản, thu nhập cho mọi đối tượng phải kê khai, lược bỏ Mẫu Bản kê khai lần đầu và Mẫu Bản kê khai bổ sung. Việc tự giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm được thực hiện theo các tiêu chí quy định trong Mẫu Bản kê khai.

2.5. Về hình thức công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập.

Để bảo đảm sự công khai, minh bạch của việc kê khai tài sản, thu nhập, Nghị định quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức bằng một trong hai hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thực tế việc công khai tại cuộc họp thời gian qua có nhiều vướng mắc, nhất là đối với những cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác không tập trung hoặc có số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Do đó, để khắc phục vướng mắc, phù hợp với chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh lãnh đạo, quản lý (Quy định số 165 QĐ/TW ngày 18/2/2013 của Bộ Chính trị, Nghị Quyết số 35/212/QH13 ngày 21/11/2012 của Quốc hội khóa XIII)  Nghị định quy định việc công khai Bản kê khai tài sản tại cuộc họp ở các cơ quan Trung ương và địa phương như sau:

- Ở Trung ương, cán bộ, công chức giữ chức vụ từ Bộ trưởng và tương đương trở lên thì công khai trước đối tượng để lấy phiếu tín nhiệm (đối tượng ghi phiếu tín nhiệm) hàng năm. Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và tương đương công khai trước lãnh đạo từ cấp cục, vụ và tương đương trở lên của cơ quan mình. Phó Tổng cục trưởng, cục trưởng, phó cục trưởng, vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương công khai trước lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở lên trong cơ quan, đơn vị mình.

- Ở địa phương, cán bộ, công chức giữ chức vụ từ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân; ủy viên thường trực hội đồng nhân dân; trưởng các ban của hội đồng nhân dân, các thành viên khác của ủy ban nhân dân công khai trước đối tượng để lấy phiếu tín nhiệm (đối tượng ghi phiếu tín nhiệm) hằng năm. Giám đốc, phó giám đốc sở, ngành và tương đương, trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh công khai trước cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở lên trực thuộc sở, ngành, cơ quan, đơn vị đó. 

- Những trường hợp khác thì công khai trước toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc phòng, ban, đơn vị. Nếu biên chế của phòng, ban, đơn vị có từ 50 người trở lên và đơn vị đó có biên chế nhỏ hơn như tổ, đội, nhóm thì công khai trước tổ, đội, nhóm trực thuộc phòng, ban, đơn vị đó.

2.6. Về việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

  Đây là nội dung mới được thể hiện trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN. Để cụ thể hóa nội dung này, Điều 15 của Nghị định quy định người có nghĩa vụ kê khai phải tự giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm ngay khi kê khai tài sản theo Mẫu Bản kê khai tài sản, thu nhập và khi có yêu cầu của người có thẩm quyền; người kê khai tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực, kịp thời của những thông tin về nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Để làm rõ tài sản tăng thêm phải giải trình nguồn gốc, Nghị định quy định hai nhóm tài sản khi tăng thêm phải giải trình nguồn gốc như sau:

- Nhóm thứ nhất gồm nhà, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất (quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 của Nghị định), phải giải trình nguồn gốc khi tăng thêm về số lượng hoặc thay đổi về cấp nhà, công trình, loại đất so với kỳ kê khai trước đó.

- Nhóm thứ hai gồm các loại tài sản phải kê khai khác (quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 Điều 8 của Nghị định), phải giải trình nguồn gốc khi tăng thêm về số lượng hoặc thay đổi về chủng loại với mức giá trị từ 50 triệu đồng trở lên so với kỳ kê khai trước đó.

2.7. Về yêu cầu giải trình việc kê khai tài sản, thu nhập.

Luật PCTN đã xác định các căn cứ để xác minh tài sản, thu nhập; quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền có quyền yêu cầu người dự kiến được xác minh phải giải trình việc kê khai tài sản, thu nhập của mình. Nội dung giải trình sẽ là căn cứ để kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập hoặc là căn cứ quan trọng để định hướng nội dung xác minh. Trường hợp xét thấy nội dung giải trình của người dự kiến được xác minh đã rõ, có đủ căn cứ để kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập thì người có thẩm quyền ban hành ngay kết luận mà không nhất thiết phải ban hành quyết định xác minh. Trong trường hợp người dự kiến được xác minh giải trình không đủ rõ, thiếu logic, bất hợp lý thì người có thẩm quyền ban hành quyết định và phân công cán bộ hoặc thành lập đoàn xác minh (Điều 16 của Nghị định).

2.8. Về cơ quan, đơn vị thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập.

Để phù hợp với phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, trong Nghị định quy định rõ, cụ thể về cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xác minh phù hợp với từng nhóm đối tượng (do cấp ủy đảng quản lý, không do cấp ủy đảng quản lý và công tác tại các cơ quan của Đảng, tại các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan khác của Nhà nước, cơ quan của các tổ chức chính trị-xã hội).

2.9. Về trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập.

Để tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ cho quá trình tiến hành xác minh, Nghị định đã quy định nội dung quyết định xác minh; thời hạn xác minh là 15 ngày làm việc, vụ việc phức tạp thì thời hạn tối đa không quá 30 ngày làm việc; cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xác minh là các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra, quản lý nhân sự. Nội dung xác minh tài sản, thu nhập là tính trung thực, chính xác, đầy đủ của những thông tin trong Bản kê khai tài sản, thu nhập của người được xác minh.

Nghị định cũng quy định cụ thể về hoạt động xác minh tài sản, thu nhập; quyền hạn, trách nhiệm của người xác minh; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan; nội dung báo cáo kết quả xác minh và kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.

Để bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực của kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập, Nghị định quy định trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ có thẩm quyền xác minh lại việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phát hiện có vi phạm pháp luật. Đây cũng là điểm mới, trong đó xác định chỉ Thanh tra Chính phủ có thẩm quyền xác minh lại mà không phân quyền là tạo tiền đề ban đầu cho việc tổ chức quản lý kê khai tập trung.

Nghị định quy định Bản kết luận về sự minh bạch tài sản, thu nhập được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người được xác minh làm việc; tại hội nghị cử tri nơi người được xác minh ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tại kỳ họp hoặc Đại hội, nơi người được xác minh được đề cử để bầu, phê chuẩn (Điều 26).

2.10. Việc xử lý vi phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

Để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về thời hạn tổ chức thực hiện việc kê khai, công khai, giải trình, tổng hợp, báo cáo kết quả về minh bạch tài sản, thu nhập, Nghị định đã quy định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc nặng hơn một bậc đối với những trường hợp thực hiện chậm so với thời hạn quy định mà không có lý do chính đáng (Điều 28).

Nhằm tăng cường tính răn đe, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý những trường hợp không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (Điều 29); thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm quy định trong việc xác minh tài sản, thu nhập, Nghị định đã quy định các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong doanh nghiệp, trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân phù hợp với quy định hiện hành về xử lý kỷ luật đối với từng loại đối tượng nêu trên.

2.11. Về trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và tổng hợp kết quả về minh bạch tài sản, thu nhập

Nhằm tăng cường kiểm soát việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, của các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan thanh tra, kiểm tra, quản lý cán bộ, Nghị định quy định trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và tổng hợp, báo cáo kết quả về minh bạch tài sản, thu nhập (Điều 32).

Các quy định nêu trong Nghị định có hiệu lực thi hành từ 31/8/2013./.

 

Trần Đình Trữ

Trưởng phòng Pháp Chế


Số lượt người xem: 9752    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm