SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
4
1
9
7
5
9
Tin tức sự kiện 02 Tháng Tám 2013 9:50:00 SA

(TTTP) Đề cương giới thiệu Luật Công chứng (Phần 1)

 

            Luật Công chứng được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006. Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2007.

Phòng Pháp chế phối hợp với Chi hội Luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT CÔNG CHỨNG

Hệ thống công chứng ở nước ta được chính thức thành lập kể từ khi Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 45/HĐBT ngày 27 tháng 2 năm 1991 về Công chứng nhà nước. Sau đó, Chính phủ đã có thêm hai lần ban hành các Nghị định về công chứng đó là:

- Nghị định số 31/CP ngày 18 tháng 5 năm 1996 về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước.

- Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8 tháng 12 năm 2000 về công chứng, chứng thực.

Ngoài các Nghị định nêu trên quy định một cách tập trung về tổ chức và hoạt động công chứng, trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, bao gồm cả những bộ luật, đạo luật quan trọng như: Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật đất đai, Luật nhà ở v.v. và nhiều nghị định khác của Chính phủ đều có những quy định liên quan đến hoạt động công chứng.

Tổ chức công chứng ở nước ta tuy ra đời nhưng đã được hình thành trong môi trường rất thuận lợi đó là sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường vừa là đối tượng phục vụ vừa là điều kiện phát triển của thiết chế công chứng.

Đến năm 2006, cả nước có 128 Phòng công chứng, với tổng số 380 công chứng viên, hơn 150 nhân viên nghiệp vụ và khoảng gần 800 nhân viên khác. Tính trung bình, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có từ 1 đến 2 Phòng công chứng, riêng thành phố là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi nơi có 6 Phòng công chứng. Các công chứng viên đều có trình độ cử nhân Luật trở lên. Cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho các Phòng công chứng đã được xây dựng khang trang và đã được hiện đại hóa một bước, đặc biệt là đã tiến hành tin học hóa . Hoạt động chứng thực tại các Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng được triển khai thực hiện.

Trong những năm qua, hoạt động công chứng đã thể hiện vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế của các tổ chức, cá  nhân trong và ngoài nước.  

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình phát triển, công chứng nước ta cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cả về mặt tổ chức và hoạt động làm ảnh hưởng đến các hoạt động giao lưu dân sự, kinh tế của xã hội, hạn chế sự phát triển của nền kinh tế thị trường cũng như sự hội nhập của nền kinh tế đó với thế giới, hạn chế hiệu quả quản lý của Nhà nước. Những bất cập, hạn chế đó thể hiện qua những điểm chủ yếu sau đây:

- Ttrong nhận thức về lý luận cũng như trong quy định của pháp luật còn có sự lẫn lộn giữa hoạt động công chứng của Phòng công chứng với hoạt động chứng thực của cơ quan hành chính công quyền. Mặc dù trong Bộ luật dân sự nước ta cũng như trong Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực đã có sự phân biệt về thuật ngữ “Công chứng” và “Chứng thực” nhưng đó mới chỉ là phân biệt mang tính hình thức (hành vi công chứng được dùng cho Phòng công chứng, hành vi chứng thực được dùng cho Uỷ ban nhân dân) và chưa phân biệt đối tượng nào thì công chứng, đối tượng nào thì chứng thực. Do có sự lẫn lộn giữa hoạt động công chứng với hoạt động chứng thực nên dẫn đến tình trạng, một số văn bản quy phạm pháp luật đã quy định theo hướng các hợp đồng, giao dịch cũng như việc sao y giấy tờ có thể do Phòng công chứng chứng nhận hoặc Uỷ ban nhân dân chứng thực. Cách quy định như vậy đã dẫn đến không phân biệt chức năng giữa cơ quan hành chính công quyền là Uỷ ban nhân dân với tổ chức dịch vụ công (Phòng công chứng), thậm chí người ta còn coi Phòng công chứng như một cơ quan hành chính công quyền.

 - Về mô hình tổ chức công chứng được tổ chức theo mô hình công chứng nhà nước: Phòng công chứng là cơ quan nhà nước, do Nhà nước thành lập, công chứng viên là công chức nhà nước, hoạt động của Phòng công chứng do ngân sách Nhà nước bao cấp. Việc duy trì mô hình tổ chức công chứng nhà nước theo hình thức này tuy có điểm thuận lợi cho hoạt động công chứng, nhưng đồng thời cũng bộc lộ nhiều điểm bất cập như:

+ Công chứng viên là công chức Nhà nước nên việc phát triển đội ngũ công chứng viên gặp khó khăn do thiếu biên chế. Trong khi đó Nghị định số 75/2000/NĐ-CP quy định mỗi Phòng công chứng phải có ít nhất 3 công chứng viên nên càng làm hạn chế sự phát triển về số lượng Phòng công chứng do số lượng công chứng viên không có đủ để thành lập Phòng theo quy định, từ đó dẫn tới hệ quả là nhu cầu về công chứng lớn, song tổ chức công chứng phát triển không theo kịp, nên đã dẫn đến sự quá tải của các phòng công chứng.

+ Việc làm và thu nhập của công chứng viên được Nhà nước bảo đảm nên dẫn đến tình trạng một bộ phận không ít công chứng viên chưa thực sự quan tâm đến việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình và nâng cao chất lượng phục vụ, thậm chí còn tư tưởng quan liêu, cửa quyền trong khi thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác do Công chứng viên là công chức nhà nước nên họ không phải chịu trách nhiệm vật chất trực tiếp trước khách hàng trong trường hợp gây thiệt hại cho khách hàng.

- Về giá trị pháp lý của văn bản công chứng: Nghị định số 75/2000/NĐ-CP quy định “Văn bản công chứng, văn bản chứng thực có giá trị chứng cứ, trừ tr­ường hợp đư­ợc thực hiện không đúng thẩm quyền hoặc không tuân theo quy định tại Nghị định này hoặc bị toà án tuyên bố là vô hiệu. Hợp đồng đã đư­ợc công chứng, chứng thực có giá trị thi hành đối với các bên giao kết; trong trư­ờng hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan nhà n­ước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.” Tuy nhiên trên thực tế, quy định này của Nghị định số 75/2000/NĐ-CP chưa được các cơ quan, tổ chức và cá nhân nhận thức đúng đắn và đầy đủ. Mặt khác, quy định nói trên chỉ ở cấp nghị định nên thường bị các văn bản quy phạm pháp luật khác có hiệu lực pháp lý cao hơn bỏ qua, do đó trong nhiều trường hợp gây thiệt hại cho các bên trong hợp đồng, giao dịch.

Những điểm hạn chế bất cập nêu trên về mặt tổ chức và hoạt động công chứng ở nước ta cần phải sớm khắc phục, đặc biệt là trong điều kiện đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế . Vì vậy, việc hoàn thiện thể chế về công chứng thông qua việc ban hành Luật Công chứng, một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh một cách toàn diện và đồng bộ lĩnh vực công chứng là một nhu cầu cấp thiết.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ NHỮNG MỤC TIÊU XÂY DỰNG LUẬT CÔNG CHỨNG

1. Quan điểm chỉ đạo

Có ba quan điểm chủ yếu của Đảng về việc quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, đó là:

   Thứ nhất, thể chế hoá đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về cải cách hành chính và cải cách tư pháp về những nội dung liên quan đến hoạt động công chứng, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2005 về chiến lược xây dựng pháp luật đến năm 2020.

   Thứ hai, quán triệt và vận dụng một cách phù hợp các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về xã hội hóa một số lĩnh vực quản lý nhà nước. Chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là một chủ trương có tính quan trọng, đem lại sự thay đổi rất lớn đối với xã hội. Điểm lại các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước cho thấy từng bước xã hội hóa hoạt động công chứng đã được đề cập từ Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác tư pháp, Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị và đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Các văn bản này đều nhấn mạnh yêu cầu phải nghiên cứu và xúc tiến việc xã hội hóa công chứng. Theo đó chủ trương xã hội hóa công chứng được đề cập rõ nét nhất trong Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02 tháng 6 năm 2005: “Hoàn thiện chế định công chứng. Xác định rõ phạm vi của công chứng và chứng thực, giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này”.

Thứ ba, kế thừa những điểm tích cực, hợp lý trong tổ chức và hoạt động công chứng hiện nay, tham khảo kinh nghiệm của các nước ngoài trên cơ sở bám sát thực tiễn của Việt Nam.

2. Luật Công chứng nhằm đạt một số mục tiêu cơ bản sau đây:

- Phát triển đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về công chứng, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đổi mới hình thức tổ chức công chứng theo hướng từng bước xã hội hoá nhằm phát huy những tiềm năng to lớn của xã hội vào phát triển hệ thống công chứng mang tính chất là tổ chức dịch vụ công, phục vụ một cách thuận tiện cho các nhu cầu công chứng của nhân dân.

- Xác định rõ phạm vi trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động công chứng.

- Xây dựng quan hệ dịch vụ bình đẳng giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng; minh bạch hóa, đơn giản hóa trình tự, thủ tục công chứng, phát huy tính chủ động, tích cực của công chứng viên trong quá trình tác nghiệp, loại bỏ lối làm việc bàn giấy quan liêu, cửa quyền của công chứng viên.

III. BỐ CỤC CỦA LUẬT CÔNG CHỨNG

Luật Công chứng gồm 8 chương, 67 điều.

Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 12)

Chương II. Công chứng viên (từ Điều 13 đến Điều 22 )

Chương III.  Tổ chức hành nghề công chứng (từ Điều 23 đến Điều 34)

Chương IV. Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch (từ Điều 35 đến Điều 52)

Chương V.  Lưu trữ hồ sơ công chứng (từ Điều 53 đến Điều 55)

Chương VI. Phí công chứng, thù lao công chứng (Điều 56 và Điều 57)

Chương VII. Xử lý vi phạm, khiếu nại và giải quyết tranh chấp (từ Điều 58 đến Điều 64)

Chương VIII. Điều khoản thi hành (Điều 65 và Điều 67)

Trần Đình Trữ


Số lượt người xem: 7335    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm