SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
4
2
8
2
8
2
Tin tức sự kiện 02 Tháng Bảy 2013 8:10:00 SA

(TTTP) Đề cương giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 của Chính Phủ quy định về thanh tra viên và công tác viên thanh tra

 

Trong hoạt động thanh tra, thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra được xem là yếu tố con người, yếu tố trung tâm quyết định đến kết quả của hoạt động này. Ngày 21 tháng 10 năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2011/NĐ-CP quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra. Đây là văn bản quy định chi tiết về: Tiêu chuẩn các ngạch thanh tra viên; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm; điều kiện bảo đảm hoạt động đối với thanh tra viên; tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên thanh tra; việc trưng tập và chế độ, chính sách đối với cộng tác viên thanh tra.

Phòng Pháp chế phối hợp với Chi hội luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị định như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

1. Luật Thanh tra năm 2010 giao Chính phủ quy định:

- Tiêu chuẩn cụ thể đối với Thanh tra viên của từng ngạch thanh tra (Khoản 2 Điều 32);

- Thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thanh tra viên (Khoản 2 Điều 33);

- Tiêu chuẩn cụ thể, chế độ, chính sách, trách nhiệm đối với cộng tác viên thanh tra; việc trưng tập cộng tác viên thanh tra (Điều 35);

- Chế độ, chính sách, tiền lương, phụ cấp, trang phục và chế độ đặc thù đối với thanh tra viên (Điều 63).

Đây là cơ sở pháp lý để tiến hành rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các quy định đã có về thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra và nghiên cứu bổ sung thêm quy định mới về người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành để Chính phủ ban hành Nghị định được Quốc hội giao theo Luật Thanh tra năm 2010.

2. Các quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra theo quy định tại Nghị định số 100/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra được xây dựng trên cơ sở Luật Thanh tra năm 2004 nên có một số quy định về thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra không còn phù hợp với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Cán bộ, công chức 2008 cũng như thực tiễn quản lý, sử dụng thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra, như chưa quy định cụ thể tiêu chuẩn các ngạch thanh tra viên, còn thiếu các quy định về thủ tục bổ nhiệm, thẩm quyền bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra viên, việc cấp phát thẻ thanh tra...

Vì vậy, để thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 và đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý, sử dụng thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra thì Chính phủ cần thiết ban hành Nghị định quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NGHỊ ĐỊNH

1. Bố cục của Nghị định

Nghị định có cơ cấu bao gồm 4 chương,  30 điều.

Chương I. Những quy định chung: Quy định về phạm vi điều chỉnh; trách nhiệm của thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra; những việc thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra không được làm; trách nhiệm quản lý, sử dụng thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra.

Chương II. Thanh tra viên: Gồm 2 mục

+ Mục 1. Tiêu chuẩn các ngạch thanh tra: Thanh tra viên; tiêu chuẩn ngạch thanh tra viên; tiêu chuẩn ngạch thanh tra viên chính; tiêu chuẩn ngạch thanh tra viên cao cấp; tiêu chuẩn các ngạch thanh tra trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

+ Mục 2. Bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên: Việc bổ nhiệm các ngạch thanh tra; thẩm quyền bổ nhiệm các ngạch thanh tra; bổ nhiệm các ngạch thanh tra theo thủ tục chuyển ngạch; bổ nhiệm vào ngạch thanh tra khi trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch; bổ nhiệm sỹ quan trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vào các ngạch thanh tra; miễn nhiệm đối với thanh tra viên.

+ Mục 3. Điều kiện bảo đảm hoạt động đối với thanh tra viên: Trang phục thanh tra; thẻ thanh tra, phù hiệu, biển hiệu; kinh phí may, sắm trang phục thanh tra, thẻ thanh tra, phù hiệu, biển hiệu; chế độ, chính sách đối với thanh tra viên; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra.

 

   

Chương III. Cộng tác viên thanh tra: Quy định cộng tác viên thanh tra; tiêu chuẩn cộng tác viên thanh tra; trưng tập cộng tác viên thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên thanh tra;  chế độ, chính sách đối với cộng tác viên thanh tra; kinh phí trưng tập cộng tác viên thanh tra.

Chương IV. Điều khoản thi hành: Khen thưởng, xử lý vi phạm; áp dụng Nghị định đối với các đối tượng khác; hiệu lực thi hành.

2. Một số nội dung cơ bản của Nghị định

Chương I của Nghị định là các quy định chung, trong đó quy định trách nhiệm của thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra nói chung và trong quá trình thanh tra nói riêng như sau: Thanh tra viên phải gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, không ngừng phấn đấu rèn luyện để đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu; có lối sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng; có trách nhiệm học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra; Trong quá trình thanh tra, thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra phải thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra; phải tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao; thanh tra viên còn phải chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Điều 3 của Nghị định đưa ra các quy định về việc thanh tra viên không được làm như sau:

1 - Những việc mà pháp luật về cán bộ, công chức, pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các quy định khác của pháp luật có liên quan quy định không được làm;

2 - Các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 13 Luật Thanh tra;

3 - Tiến hành thanh tra khi không có quyết định thanh tra hoặc văn bản phân công của cấp có thẩm quyền;

4 - Thông đồng với đối tượng thanh tra và những người có liên quan trong vụ việc thanh tra để làm sai lệch kết quả thanh tra;

5 - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để bao che cho đối tượng thanh tra và những người có liên quan. 

Thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra không được tham gia đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra độc lập hoặc phải từ chối tham gia đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra độc lập trong trường hợp vợ (hoặc chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột của mình, của vợ (hoặc chồng) là đối tượng thanh tra hoặc giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.

Ở chương II Nghị định số 97/2011/NĐ-CP đưa ra các quy định cụ thể về thanh tra viên, như khái niệm về thanh tra viên; tiêu chuẩn các ngạch thanh tra viên; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm về các ngạch thanh tra viên cụ thể.  Đây là một trong những nội dung mới của Nghị định số 97/2011/NĐ-CP so với Nghị định  100/2007/NĐ-CP về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra ngày 13 tháng 6 năm 2007, thể hiện được sự kế thừa và phát huy của văn bản này với văn bản trước đó trong lĩnh vực  thanh tra viên và cộng tác viên.

Theo Nghị định, có 03 ngạch thanh tra là thanh tra viên, thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp. Thanh tra viên được hiểu là công chức, sỹ quan quân đội nhân dân, sỹ quan công an nhân dân được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước. Thanh tra viên chính là công chức chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan thanh tra nhà nước, thực hiện quyết định thanh tra và các nhiệm vụ khác của cơ quan thanh tra nhà nước. Thanh tra viên chính được giao chủ trì hoặc tham gia thanh tra các vụ việc có quy mô rộng, tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực; khi tiến hành thanh tra phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về nhiệm vụ được giao. Thanh tra viên cao cấp là công chức chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện quyết định thanh tra và các nhiệm vụ khác của cơ quan thanh tra nhà nước. Thanh tra viên cao cấp được giao trực tiếp chủ trì thanh tra các vụ việc có quy mô lớn, tình tiết rất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực; khi tiến hành thanh tra phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về nhiệm vụ được giao.

Trong đó, thanh tra viên được quy định phải đáp ứng các yêu cầu về trình độ, thâm niên công tác như có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực đang công tác; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch thanh tra viên; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; có thời gian ít nhất 02 năm làm công tác thanh tra.  Đối với thanh tra viên chính thì phải có thời gian công tác ở ngạch thanh tra viên và tương đương tối thiểu là 09 năm. Còn thanh tra viên cao cấp thì phải có thời gian công tác ở ngạch thanh tra viên chính và tương đương tối thiểu là 06 năm.

          Ở Mục 2 của Nghị định nêu rõ, công chức được xem xét, bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra trong 2 trường hợp: Một là, công chức giữ các ngạch chuyên viên và tương đương, chuyên viên chính và tương đương, chuyên viên cao cấp và tương đương đang công tác trong các cơ quan thanh tra nhà nước có đủ điều kiện, tiêu chuẩn chuyển sang các ngạch thanh tra tương ứng. Hai là, công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch thanh tra viên lên thanh tra viên chính hoặc kỳ thi nâng ngạch thanh tra viên chính lên thanh tra viên cao cấp.

            Công chức đang công tác trong cơ quan thanh tra nhà nước, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định thì được xét chuyển ngạch để bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra. Việc xét chuyển ngạch và bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra phải thông qua Hội đồng xét chuyển ngạch.

Nghị định cũng quy định 07 trường hợp miễn nhiệm đối với thanh tra viên gồm: Do điều động, luân chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác không phải là cơ quan thanh tra nhà nước; khi chuyển đổi vị trí việc làm và theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức phải chuyển sang ngạch công chức, viên chức khác để phù hợp với vị trí làm việc mới; tự nguyện xin thôi không làm việc ở các cơ quan thanh tra nhà nước và đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thôi việc; có quyết định thôi việc hoặc bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc theo quy định của pháp luật; bị tước danh hiệu Công an nhân dân hoặc tước quân hàm sỹ quan Quân đội nhân dân; bị Tòa án kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật; vì lý do khác theo quy định của pháp luật

Chương III của Nghị định này đưa ra các quy định về cộng tác viên thanh tra. Cộng tác viên thanh tra được hiểu là người được cơ quan thanh tra nhà nước trưng tập tham gia Đoàn thanh tra. Cộng tác viên thanh tra là người không thuộc biên chế của các cơ quan thanh tra nhà nước. Tại Điều 22, 23, 24, 25, 26 Nghị định đưa ra các quy định về: Tiêu chuẩn cộng tác viên thanh tra; trưng tập cộng tác viên thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên thanh tra; chế độ, chính sách đối với cộng tác viên thanh tra. Trong đó Tiêu chuẩn đối với cộng tác viên thanh tra là công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan, có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan trưng tập. Cộng tác viên thanh tra được trưng tập khi thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước có quyền trưng tập cộng tác viên thanh tra. Việc trưng tập cộng tác viên thanh tra phải thực hiện bằng văn bản. Nội dung văn bản trưng tập cộng tác viên thanh tra phải ghi rõ căn cứ để trưng tập, đối tượng được trưng tập, thời gian trưng tập, nơi làm việc, chế độ đãi ngộ. Trước khi trưng tập cộng tác viên thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước phải thống nhất với cơ quan quản lý trực tiếp người được trưng tập.

Trong thời gian tham gia Đoàn thanh tra, cộng tác viên thanh tra được hưởng các chế độ: Cơ quan trực tiếp quản lý trả lương, phụ cấp (nếu có); cơ quan trưng tập chi trả tiền công tác phí, bảo đảm các điều kiện, phương tiện làm việc và các quyền lợi khác như thành viên của Đoàn thanh tra, trường hợp cơ quan trưng tập không trực tiếp quản lý nguồn kinh phí chi trả thì cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan trưng tập chi trả công tác phí cho cộng tác viên thanh tra theo đề nghị của cơ quan trưng tập./.

 

Trần Đình Trữ


Số lượt người xem: 4310    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm