Nghị định 07/2012/NĐ-CP quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành được Chính phủ ban hành ngày 09 tháng 02 năm 2012 , có hiệu lực ngày 05 tháng 4 năm 2012. Đây là Nghị định quan trọng phục vụ cho công tác thanh tra chuyên ngành.
Phòng Pháp chế phối hợp với Chi hội luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị định như sau:
1. BỐ CỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH
Nghị định gồm 6 Chương và 45 điều, cụ thể:
Chương I: Quy định chung (gồm 5 điều, từ Điều 1 đến Điều 5) quy định: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc tiến hành hoạt động thanh tra chuyên ngành; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; các hành vi bị nghiêm cấm.
Chương II: Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (gồm 2 Mục và 8 điều).
Mục 1: Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (gồm 4 điều, từ Điều 6 đến Điều 9) gồm: Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Cục thuộc Tổng cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Chi cục thuộc Sở, Chi cục thuộc Cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành.
Mục 2: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (gồm 4 điều, từ Điều 10 đến Điều 13) quy định: Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, Cục thuộc Tổng cục và tương đương, Chi cục thuộc Sở, Chi cục thuộc Cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục trưởng và tương đương, Cục trưởng thuộc Bộ, Chi cục trưởng thuộc Sở được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; trang phục, thẻ công chức, chế độ đối với công chức thanh tra chuyên ngành.
Chương III: Hoạt động thanh tra chuyên ngành (gồm 2 Mục và 15 điều)
Mục 1: Hoạt động của Đoàn thanh tra chuyên ngành (gồm 15 điều, từ Điều 14 đến Điều 28) quy định: Thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch; thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành đột xuất; thời hạn thanh tra của Đoàn thanh tra chuyên ngành; đoàn thanh tra chuyên ngành; xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra; phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra; xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; thông báo việc công bố quyết định thanh tra chuyên ngành; công bố quyết định thanh tra chuyên ngành; thu thập thông tin tài liệu, đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật; báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; báo cáo kết quả thanh tra chuyên ngành; xây dựng kết luận thanh tra chuyên ngành; kết luận thanh tra chuyên ngành; công khai kết luận thanh tra chuyên ngành.
Mục 2: Hoạt động thanh tra của thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập (gồm 4 điều, từ Điều 29 đến Điều 32) quy định: Phân công Thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập; thời hạn thanh tra chuyên ngành độc lập; nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập; báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành độc lập.
Chương IV: Thanh tra lại trong hoạt động thanh tra chuyên ngành (gồm 6 điều, từ Điều 33 đến Điều 38) quy định: Thẩm quyền quyết định thanh tra lại; căn cứ thanh tra lại; quyết định thanh tra lại; thời hiệu, thời hạn thanh tra lại; nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; báo cáo kết quả thanh tra lại, kết luận thanh tra lại, công khai kết luận thanh tra lại.
Chương V: Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (gồm 4 điều, từ Điều 39 đến Điều 42) quy định: Trách nhiệm xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra chuyên ngành; trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành; trách nhiệm xử lý chồng chéo về hoạt động thanh tra chuyên ngành; chế độ báo cáo về công tác thanh tra.
Chương VI: Điều khoản thi hành (gồm 3 điều, từ Điều 43 đến Điều 45) quy định: Áp dụng điều ước quốc tế; hiệu lực thi hành; trách nhiệm thi hành.
2. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NGHỊ ĐỊNH
2.1. Quy định chung
Nghị định này áp dụng đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, Thủ tưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Sở; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, Thành viên đoàn thanh tra chuyên ngành, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành do Đoàn thanh tra chuyên ngành, Thanh tra viên và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực hiện. Hoạt động thanh tra chuyên ngành phải được tiến hành thường xuyên, gắn liền với thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, người được giao thực hiện việc thanh tra chuyên ngành không được thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Thanh tra.
Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải báo cáo từ chối và không được tham gia Đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra độc lập trong trường hợp bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của mình trực tiếp là đối tượng thanh tra hoặc giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.
Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là công chức thuộc biên chế của cơ quan giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của ngạch công chức đang giữ và các tiêu chuẩn cụ thể sau: Am hiểu pháp luật, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực được giao; có nghiệp vụ thanh tra; có ít nhất 01 năm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (không kể thời gian tập sự).
Công chức thanh tra chuyên ngành có trang phục, thẻ công chức và được hưởng chế độ bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
2.2. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành
- Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm:
Bộ Công Thương: Cục Quản lý thị trường, Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.
Bộ Giao thông vận tải: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tổng cục Thống kê.
Bộ Khoa học và Công nghệ: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Tổng cục Dạy nghề, Cục Quản lý Lao động ngoài nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổng cục Thủy lợi; Tổng cục Lâm nghiệp; Tổng cục Thủy sản; Cục Thú y; Cục Bảo vệ thực vật; Cục Trồng trọt; Cục Chăn nuôi; Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối.
Bộ Ngoại giao: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ Nội vụ: Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai.
Bộ Tài chính: Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Kho bạc Nhà nước; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Tổng cục Dự trữ Nhà nước; Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.
Bộ Thông tin và Truyền thông: Cục Tần số vô tuyến điện; Cục Viễn thông; Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cục Báo chí; Cục Xuất bản.
Bộ Y tế: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Cục Quản lý dược; Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Cục Quản lý môi trường y tế; Cục Y tế dự phòng; Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
- Cục thuộc Tổng cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Cục Dự trữ Nhà nước khu vực; Cục Hải quan; Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục thuế; Cục Thống kê.
- Chi cục thuộc Sở, Chi cục thuộc Cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Chi cục Thuế; Trung tâm Tần số khu vực; Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế; Chi cục về bảo vệ thực vật, thú y, thủy sản, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thủy lợi, đê điều, lâm nghiệp, phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2.3. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành
- Thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch: Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chi cục trưởng thuộc Sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra. Đối với những vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.
- Trường hợp thanh tra chuyên ngành đột xuất: Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập Đoàn thanh tra và gửi quyết định thanh tra đột xuất để báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Giám đốc sở. Trường hợp người ra quyết định thanh tra là Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chi cục trưởng thuộc Sở thì quyết định thanh tra đột xuất được gửi để báo cáo Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở. Đối với vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra đột xuất và thành lập Đoàn thanh tra.
2.4. Thời hạn thanh tra của Đoàn thanh tra chuyên ngành
Nghị định nêu rõ, cuộc thanh tra chuyên ngành do Thanh tra bộ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày.
Cuộc thanh tra chuyên ngành do Thanh tra sở, Chi cục thuộc Sở tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày.
Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.
Đoàn thanh tra chuyên ngành có Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên Đoàn thanh tra, công chức thanh tra chuyên ngành; trường hợp cần thiết có Phó Trưởng đoàn thanh tra.
Chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra, trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Căn cứ báo cáo kết quả thanh tra, nội dung giải trình của đối tượng thanh tra (nếu có), chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ra văn bản kết luận thanh tra; trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
2.5. Xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra và thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành
Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra và trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra.
Thời gian xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra do người ra quyết định thanh tra quyết định, nhưng không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định thanh tra. Trường hợp thanh tra đột xuất thì thời gian không quá 03 ngày làm việc.
Trưởng đoàn thanh tra phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra; phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn thanh tra; khi cần thiết, tập huấn nghiệp vụ cho thành viên Đoàn thanh tra. Thành viên Đoàn thanh tra xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được phân công và báo cáo Trưởng đoàn thanh tra.
Căn cứ kế hoạch tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo và gửi đối tượng thanh tra trước ngày công bố quyết định thanh tra.
Trước khi công bố quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra thông báo việc công bố quyết định thanh tra đến đối tượng thanh tra; trường hợp cần thiết, chuẩn bị để người ra quyết định thanh tra thông báo bằng văn bản đến đối tượng thanh tra. Thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham dự. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra với đối tượng thanh tra.
Khi công bố quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn thanh tra, thời hạn thanh tra, quyền và trách nhiệm của đối tượng thanh tra, dự kiến kế hoạch làm việc của Đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra và những nội dung khác liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra. Việc công bố quyết định thanh tra phải được lập thành biên bản. Biên bản phải có chữ ký của Trưởng đoàn thanh tra và Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra.
Thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm thu thập, nghiên cứu, phân tích thông tin, tài liệu, chứng cứ; đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra được phân công và báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra; trường hợp phát hiện những vấn đề vượt quá thẩm quyền cần phải xử lý ngay thì kịp thời báo cáo Trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định.
Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm: Xem xét, xử lý kịp thời kiến nghị của thành viên Đoàn thanh tra, trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo ngay người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định; báo cáo người ra quyết định thanh tra về tiến độ thực hiện nhiệm vụ của Đoàn thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra hoặc theo yêu cầu đột xuất của người ra quyết định thanh tra.
Việc gửi kết luận thanh tra và công khai kết luận thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo quy định.
Trần Đình Trữ