SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
4
3
4
1
4
1
Tin tức sự kiện 01 Tháng Tư 2013 10:10:00 SA

(TTTP) Đề cương giới thiệu luật xử lý vi phạm hành chính

 

            Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012, được Chủ tịch nước ký lệnh công bố số 13/2012/L-CTN ngày 02 tháng 7 năm 2012. Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Luật Xử lý vi phạm hành chính ra đời để thay thế Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính nhằm cập nhật những nội dung mới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Phòng Pháp chế phối hợp với Chi hội Luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật như sau:

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (Pháp lệnh XLVPHC) được ban hành lần đầu tiên năm 1989, đến nay đã từng bước được hoàn thiện, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm hành chính ở nước ta, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước, an toàn xã hội để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thực hiện, Pháp lệnh XLVPHC đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Cụ thể là:

- Pháp lệnh XLVPHC năm 1989 đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung (1995, 2002, 2007, 2008), nhưng vẫn bộc lộ hạn chế, bất cập thiếu các quy định bảo đảm tính dân chủ, tính khách quan trong việc xem xét, quyết định việc xử phạt, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác; thủ tục xử phạt chưa bảo đảm tính công khai, các hình thức xử phạt được áp dụng chưa linh hoạt..., làm giảm hiệu quả giữ gìn trật tự, kỷ cương quản lý hành chính của đất nước, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với vi phạm hành chính, tội phạm trong thời kỳ mới.

- Hiện nay, một số luật chuyên ngành đã trực tiếp quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự đổi mới trong việc quy định về thẩm quyền, hình thức và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính ở tầm một đạo luật mang tính luật gốc, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về XLVPHC.

- Yêu cầu “thể chế kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối của Đảng, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân...” là chủ trương lớn, xuyên suốt trong nhiều nghị quyết của Đảng, đòi hỏi Nhà nước cần phải quy phạm hóa các quyền tự do dân chủ, quyền con người bằng các quy định của một đạo luật.

- Pháp lệnh XLVPHC được ban hành từ năm 1989 trong bối cảnh nước ta chưa hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới; nhiều điều ước quốc tế chúng ta chưa có điều kiện gia nhập. Mặt khác, chúng ta cũng chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết trong các điều ước quốc tế như Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các công ước quốc tế về quyền con người năm 1966 (Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá và xã hội và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị).

Những hạn chế, bất cập nêu trên đặt ra yêu cầu phải khẩn trương soạn thảo và ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC ).

Luật XLVPHC được ban hành với mục tiêu nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh XLVPHC; góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với vi phạm hành chính, tội phạm trong thời kỳ mới; khắc phục tối đa tình trạng thiếu thống nhất và chồng chéo trong hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết trong các điều ước quốc tế; đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

 

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT

Luật XLVPHC được xây dựng trên cơ sở bốn quan điểm chỉ đạo sau đây:

Thứ nhất, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính được xác định trong các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo hướng: “Hình thành cơ chế pháp lý để Chính phủ thực hiện quyền yêu cầu xem xét, xử lý bằng thủ tục tư pháp đối với mọi vi phạm nghiêm trọng được phát hiện trong quá trình quản lý, tổ chức thi hành pháp luật”, “tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng của công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án”.

Thứ hai, quy định đầy đủ, toàn diện các vấn đề về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm kế thừa những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm, khắc phục một cách cơ bản những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành thông qua việc tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong những năm qua.

Thứ ba, tăng cường tính công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt là người chưa thành niên.

Thứ tư, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu cải cách bộ máy nhà nước; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp về lĩnh vực này của các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Tải file đính kèm:

 Đề cương giới thiệu luật xử lý vi phạm hành chính

Trần Đình Trữ


Số lượt người xem: 19092    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm