Mặc dù những ngày cuối năm trong bộn bề công việc, với bao nỗi lo toan nhưng ngay sau khi kết thúc buổi làm việc với Tổ công tác của Cục giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra khu vực III ( Cục III) - Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy vẫn ưu ái dành cho Phóng viên Báo Thanh tra cuộc chuyện trò cởi mở, thân tình xung quanh công tác tiếp dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo (KNTC) tồn đọng, phức tạp, kéo dài tại khu vực miền Đông Nam Bộ và TP.Hồ Chí Minh.
Khẩn trương và quyết liệt.
Sau lời hỏi thăm sức khỏe và công việc, Phó Tổng Thanh tra đã đi thẳng vào những vấn đề mà cánh báo chí chúng tôi quan tâm, đó là: Trong thời gian qua các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ có nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, diễn biến phức tạp, có thể nói tình hình rất "nóng" trên địa bàn các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương....Khu vực này có tính đặc thù là các vụ việc khiếu kiện kéo dài có liên quan đến đồng bào dân tộc. Nội dung khiếu nại (KN) chủ yếu là thu hồi đất để thực hiện các dự án, giao đất cho các nông lâm trường và thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên, công tác cưỡng chế thu hồi đất rừng của một số địa phương thuộc tỉnh Bình Phước thực hiện chưa đúng quy trình, cụ thể là: Không tiến hành công việc kiểm đếm cây và tài sản trên đất nên khi người dân KN thì việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, tích cực giải quyết nhưng vẫn chưa dứt điểm, vẫn còn các hộ dân đi khiếu kiện, bám trụ dai dẳng tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Phó Tổng Thanh tra cho biết, sau khi có Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, Kế hoạch 1130/KH- TTCP của Thanh tra Chính phủ, kiểm tra, rà soát các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài, các tỉnh, thành phố đã đồng loạt thành lập Tổ công tác chuyên xử lý về vấn đề này; các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh...do một Phó Chủ tich UBND trực tiếp chỉ đạo đồng thời giao Thanh tra tỉnh, thành phố làm đầu mối trực tiếp theo dõi, đôn đốc, tham mưu đề xuất hướng giải quyết các vụ việc.
Chính vì vậy, từ tháng 4/2012 đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo đúng tiến độ, sát với yêu cầu của Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An... đã ký biên bản với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Đối với những vụ việc đông người, phức tạp liên quan đến các dự án, nông lâm trường, các tỉnh tổ chức cuộc họp liên ngành, thành phần gồm Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đại diện các sở, ngành, UBND các huyện, Bí thư, Chủ tịch UBND các xã có vụ việc KN để thống nhất chấm dứt thụ lý giải quyết vụ việc. Các vụ việc đơn lẻ thuộc thẩm quyền của địa phương, UBND tỉnh đã có kế hoạch đối thoại với công dân.
Số liệu thống kê từ các đia phương về kết quả thực hiện Kế hoạch 1130/KH- TTCP cho thấy: Tỉnh Tây Ninh đã kiểm tra, rà soát xong 17/17 vụ, trong đó: 3 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, 2 vụ chuyển Bộ Tài nguyên Môi trường, 12 vụ Thanh tra Chính phủ đã rà soát xong (có 5 vụ thống nhất phương án giải quyết với tỉnh và 6 vụ việc, đề nghị tỉnh giải quyết lại theo hướng có lợi cho dân, 1 vụ Thanh tra Chính phủ đang thống nhất với tỉnh theo hướng sửa lại quyết định của UBND tỉnh). Tỉnh Long An còn tồn đọng 3 vụ việc, đến nay đã kiểm tra, rà soát xong 3/3 vụ việc, UBND tỉnh đã ký biên bản với Thanh tra Chính phủ và tiến hành đối thoại với dân. Cả 3 vụ đều được giải quyết theo hướng có lợi cho công dân. Tỉnh Bình Phước có 22 vụ KNTC tồn đọng, kéo dài, qua kiểm tra, rà soát và lập phương án giải quyết, UBND tỉnh đã thống nhất với Thanh tra Chính phủ chấm dứt 4 vụ việc, tiếp tục rà soát lại 18 vụ việc- trong đó 11 vụ có phương án hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, để người dân ổn định cuộc sống. Tỉnh Bình Dương có 7 vụ việc, qua kiểm tra, rà soát, Thanh tra Chính phủ thống nhất với UBND tỉnh chấm dứt 4 vụ việc, 1 vụ tỉnh tiếp tục rà soát lại, 2 vụ tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp liên ngành và tiến hành đối thoại với công dân.
Riêng TP.Hồ Chí Minh là địa phương có tính đặc thù, với số lượng lên tới 84 vụ việc cần kiểm tra, rà soát và giải quyết, ngoài ra thành phố còn được Thủ tướng Chính phủ giao nhiều vụ việc khác. Trước tình hình trên, lãnh đạo UBNDTP rất quyết tâm, tập trung chỉ đạo và thành lập Tổ công tác phối hợp xử lý theo kế hoạch 1130. Đến thời điểm hiện nay, thành phố đã phân loại xong theo tiêu chí và thống nhất hướng xử lý tiếp theo, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 2/2013, cụ thể là: 35 vụ việc thành phố tổ chức họp liên ngành, thành phần gồm các Bộ, ngành Trung ương, đại diện các cơ quan, ban ngành của thành phố, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn có công dân KN để thống nhật chấm dứt, 6 vu việc thành phố tổ chức đối thoại, 1 vụ chuyển Bộ Xây dưng kiểm tra, rà soát, 10 vụ UBNDTP chỉ đạo rà soát và xử lý theo thẩm quyền, 12 vụ các Bộ, ngành Trung ương đang xem xét, 5 vụ việc xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và 15 vụ việc thành phố đang giải quyết theo thẩm quyền.
Bài học kinh nghiệm.
Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, có lúc phải tạm ngưng vì có những cuộc điên thoại từ các Đoàn thanh tra, Tổ công tác báo cáo hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy và không vì thế cuộc trao đổi kém đi phần hào hứng. Theo Phó Tổng Thanh tra, qua việc chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ về triển khai Kế hoạch 1130/KH-TTCP, đã rút ra một số vấn đề cần quan tâm cũng như bài học kinh nghiệm, đó là:
- Để thực hiện tốt Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 1130, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải thật sự vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo và xử lý các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên địa bàn.
- Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung thời gian, lực lượng tiến hành rà soát sâu về nội dung, tính chất vụ việc, từ đó đề xuất các giải pháp, xử lý tiếp theo có hiệu quả.
- Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố có vụ việc cần kiểm tra, rà soát, giải quyết với Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương một cách khoa học, tránh sự trùng lắp, chồng chéo.
- Qua kiểm tra, rà soát, các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố nếu phát hiện có sai sót thì cần nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa, không bảo thủ, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân và chấm dứt khiếu kiện.
- Phải có giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trơ cho các hộ dân có hoàn cảnh, cuộc sống khó khăn, để người dân ổn định cuộc sống, từ đó chấm dứt KN.
- Có sự vào cuộc tích cực, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo sự đồng thuận, để người dân hiểu và chấp hành các quyết định giải quyết KN đúng pháp luật của chính quyền.
Kế hoạch trong thời gian tới.
Thấm thoắt đã một năm trôi qua với những kết quả đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch 1130 là rất đáng ghi nhận, đã tạo ra tinh thần quyết tâm trong toàn ngành Thanh tra cũng như các địa phương, khi chúng tôi đặt vấn đề nhiệm vụ, kế hoạch trong năm 2013, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh: Trong quá trình rà soát theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP được tiến hành đúng tiến độ, quy trình, thủ tục của Thanh tra Chính phủ, các địa phương đã ký biên bản thống nhất phương án giải quyết các vụ việc với Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên, sắp tới cần quan tâm, thực hiện các công việc tiếp theo:
Các địa phương tổ chức các cuộc họp liên ngành và tiến hành đối thoại với người KN.
Thông báo chấm dứt giải quyết, chấm dứt thụ lý vụ việc, nếu công dân không đồng tình thì thực hiện các quyền tiếp theo của mình theo quy định của pháp luật.
Lập và lưu trữ hồ sơ các vụ việc theo quy định.
Tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách xã hội đối với nhưng hộ dân có hoàn cảnh khó khăn để sớm ổn định cuộc sống.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiểu và chấp hành các quyết định giải quyết KN đã có hiệu lực pháp luật
Cuộc trò chuyện của Phó Tổng Thanh tra đã mang đến cho chúng tôi nhiều cảm xúc, nhiều ấn tượng trong những chuyến đi các địa phương để tiếp dân, đối thoại với dân, giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài....chúng tôi đành phải xin phép ra về, vì Phó Tổng Thanh tra còn xử lý các công việc đã ghi trên lịch công tác. Phó Tổng Thanh tra chia tay chúng tôi với lời chúc cán bộ, viên chức và người lao động Báo Thanh tra tiếp tục phấn đấu, nỗ lực không ngừng, đạt nhiều thành tích trên các mặt công tác và ghi những dấu ấn trong năm 2013. Chúng tôi bày tỏ lòng cảm ơn đối với sự quan tâm của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy, càng thêm phấn khởi, tự tin trong cuộc hành trình đầy gian khó đang ở phía trước của những người làm báo.
Ảnh- Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy
Ngô Quang Tâm