SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
4
3
8
5
7
5
Tin tức sự kiện 01 Tháng Hai 2013 8:25:00 SA

(TTTP) Đề cương giới thiệu quy trình thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra (Phần 2)

 

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA QUY TRÌNH

1. BỐ CỤC

Quy trình được chia thành 03 chương, 30 điều, cụ thể:

Chương I. Những quy định chung: Gồm 05 Điều (Điều 1 đến Điều 5), quy định về các vấn đề: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc thực hiện và thẩm quyền tiến hành thanh tra.

Chương II. Quy trình thanh tra: Gồm 03 mục với 23 Điều (từ Điều 6 đến Điều 28) được phân thành 03 mục là 03 giai đoạn của một cuộc thanh tra (chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra), quy định về các bước phải thực hiện, những nội dung phải tập trung của một cuộc thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

   Chương III. Điều khoản thi hành: Gồm 02 Điều (Điều 29 và Điều 30), quy định về tổ chức thực hiện và sửa đổi, bổ sung về quy trình thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

2. NỘI DUNG CHỦ YẾU

2.1 Phạm vi điều chỉnh

Quy trình được xây dựng nhằm quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và nội dung các bước tiến hành một cuộc thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra đối với công tác quản lý nhà nước về thanh tra và hoạt động thanh tra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

2.2 Đối tượng áp dụng

Quy trình được áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Ủy ban nhân dân quận, huyện và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở và cấp tương đương; các cơ quan thanh tra nhà nước; các Đoàn thanh tra do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước hoặc Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thành lập để tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

2.3 Thẩm quyền tiến hành thanh tra

Xác định việc thanh tra trách nhiệm cụ thể trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, không chỉ thanh tra cấp trên với cấp dưới mà còn thực hiện nhiệm vụ tự thanh tra để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thanh tra, cụ thể:

- Chánh Thanh tra thành phố ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra đối với sở, cấp tương đương (gọi chung là sở) và Ủy ban nhân dân quận, huyện (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện). Khi cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.

- Chánh Thanh tra sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra đối với các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở. Khi cần thiết, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra đối với các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở và việc thực hiện pháp luật về thanh tra tại sở.

- Chánh Thanh tra cấp huyện ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra đối với việc thực hiện pháp luật về thanh tra tại cấp huyện. Khi cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.

2.4 Quy trình thanh tra

* Chuẩn bị thanh tra

Các bước chuẩn bị trước khi tiến hành cuộc thanh tra gồm có: ban hành quyết định thanh tra, xây dựng Kế hoạch tiến hành thanh tra, xây dựng Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, thông báo việc công bố quyết định thanh tra.

Trong các quy định về cách thức, các bước trước khi tiến hành thanh tra, Quy trình đã nêu cụ thể các nội dung của Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo. Đây là điều hết sức quan trọng, sẽ tạo thuận lợi, dễ dàng khi tiến hành xác minh, kết luận trong quá trình thanh tra. Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra phải báo cáo các nội dung có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh tra, hoạt động thanh tra. Trường hợp đối tượng thanh tra là sở thì cần phải báo cáo thêm các vấn đề: hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, đơn vị thuộc sở thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra; việc phân công thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập; tổ chức thanh tra lại; việc kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở và cấp tương đương đối với vụ việc thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của sở; xử lý chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra trong phạm vi được phân cấp quản lý nhà nước của sở; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

* Tiến hành thanh tra

Giai đoạn này gồm có các bước: công bố quyết định thanh tra; thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm tra, xác minh và đánh giá thông tin, tài liệu; thực hiện công tác thanh tra; báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra; ghi nhật ký Đoàn thanh tra.

Đây là giai đoạn giữ vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đến việc đánh giá, nhận xét và kiến nghị của đoàn thanh tra, Quy trình xác định các nghiệp vụ cụ thể khi tiến hành thanh tra trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra. Trong đó nghiệp vụ thu thập, kiểm tra thông tin, tài liệu là khâu chủ yếu được quy định chi tiết theo từng nội dung thanh tra như: thanh tra trách nhiệm việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh tra; thanh tra trách nhiệm trong hoạt động thanh tra; thanh tra trong việc phân công Thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập; thanh tra việc tổ chức thanh tra lại; thanh tra việc kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở; thanh tra trách nhiệm xử lý chồng chéo về hoạt động thanh tra chuyên ngành; thanh tra trong việc xử phạt vi phạm hành chính của hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Đoàn thanh tra có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan theo nội dung thanh tra và Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo. Ngoài ra, khi xét thấy cần thiết, Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra tiếp tục yêu cầu đối tượng thanh tra, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra. Việc cung cấp thông tin, tài liệu được thể hiện bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc biên bản về việc cung cấp thông tin, tài liệu do Đoàn thanh tra lập.

Đối tượng thanh tra có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các tài liệu cho Đoàn thanh tra theo đúng thời hạn mà Đoàn thanh tra yêu cầu. Trường hợp không thể đáp ứng được thời hạn thì đối tượng thanh tra phải có văn bản giải trình nguyên nhân và phải được sự đồng ý của Trưởng Đoàn thanh tra.

Ngoài ra, trong quá trình thanh tra, tùy trường hợp mà Đoàn thanh tra thực hiện các nghiệp vụ sau:

- Yêu cầu giải trình: đối với những sự việc, tài liệu phản ánh chưa rõ, chưa đủ cơ sở kết luận, Đoàn thanh tra chuẩn bị chi tiết nội dung yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình bằng văn bản (có chữ ký của người giải trình).

- Tổ chức đối thoại, chất vấn: trường hợp giải trình của đối tượng chưa rõ, tiến hành tổ chức đối thoại, chất vấn đối tượng thanh tra để làm rõ thêm đúng, sai về nội dung và trách nhiệm. Việc đối thoại, chất vấn phải lập thành biên bản.

- Làm việc với cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan: làm việc trực tiếp hoặc phát hành văn bản đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan cần xác minh, để thu thập thông tin cần thiết phục vụ cho việc báo cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra.

* Kết thúc thanh tra

Đoàn thanh tra cần thực hiện đầy đủ các bước: xây dựng Báo cáo kết quả thanh tra; xây dựng và ban hành Kết luận thanh tra; công khai Kết luận thanh tra; chỉ đạo và xử lý Kết luận thanh tra; tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động của Đoàn thanh tra; lập, quản lý và bàn giao hồ sơ thanh tra.

            Báo cáo kết quả thanh tra phải phản ánh đầy đủ kết quả những nội dung công việc đã thanh tra; những ý kiến không thống nhất của thành viên Đoàn thanh tra; những đề xuất về chính sách, chế độ và quản lý. Mỗi nội dung báo cáo kết luận phải nêu rõ sự việc, căn cứ đúng, sai, nguyên nhân, trách nhiệm, hình thức xử lý, chấn chỉnh. Báo cáo kết quả thanh tra chỉ gửi người ra quyết định thanh tra xem xét và lưu giữ theo chế độ mật, không công bố với đối tượng thanh tra. Trường hợp người ra quyết định thanh tra là Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì báo cáo kết quả thanh tra còn phải được gửi cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

            Kết luận thanh tra phải đảm bảo các nội dung sau: đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra đối với việc thực hiện pháp luật về thanh tra; kết luận rõ về các nội dung thanh tra: trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh tra và trách nhiệm trong hoạt động thanh tra, trong đó tập trung đánh giá về trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra; kết luận trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được thanh tra trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện pháp luật về thanh tra; xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân (khách quan, chủ quan), trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị biện pháp xử lý.

            2.5 Điều khoản thi hành

Quy trình xác định trách nhiệm của thủ trưởng các ngành, các cấp, các cơ quan thanh tra trong việc tổ chức, thực hiện Quy trình./.

 

Trần Đình Trữ


Số lượt người xem: 10527    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm