SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
4
3
8
5
4
7
Tin tức sự kiện 01 Tháng Hai 2013 1:55:00 CH

(TTTP) TP.Hồ Chí Minh: Thí điểm chế định Thừa phát lại- Một giải pháp mang tính đột phá

 

  Thừa phát lại (TPL) là một chế định đã đươc thực hiện ở nước ta từ trước, trong thời kỳ đầu sau Cách mạng tháng Tám của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và tiếp tục ở miền Nam cho đến năm 1975. Ngày nay, theo yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, góp phần làm cho nền hành chính tư pháp đáp ứng tốt hơn cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và dân chủ hóa đời sống xã hội, chế định TPL được nghiên cứu, thí điểm, nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp đã được Dảng, Nhà nước ta đề ra trong những năm qua.

  Theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL triển khai thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh, UBNDTP giao Sở Tư pháp thực hiện công tác quản lý nhà nước về TPL trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, như: tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về TPL, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, phối hợp các cơ quan trong việc chuyển giao văn bản tống đạt của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự cho TPL thực hiện; trao đổi thông tin, giải quyết những khó khăn vướng mắc cũng như kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong hoạt động TPL, công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động TPL...Mặc dù thời gian thí điểm mới được gần 3 năm nhưng bước đầu đã thu được kết quả khả quan, xã hội và người dân đón nhận tích cực. Số liệu thống kê cho thấy, đến thời điểm hiện nay, tại TP.Hồ Chí Minh có 8 Văn phòng TPL được thành lập và đăng ký hoạt động với 33 TPL, 68 Thư ký TPL và 33 nhân viên khác làm việc tại các Văn phòng TPL. Cơ cấu, tổ chức bộ máy, nhân sự các Văn phòng TPL đã từng bước kiện toàn, sắp xếp, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Trong thời gian thực hiện thí diểm, các Văn phòng TPL đã tống đạt 103.218 văn bản, lập và đăng ký 5.020 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 147 vụ việc và trực tiếp tổ chức thi hành xong 26 vụ việc, với tổng doanh thu là 17,167 tỷ đồng. Thông qua hoạt động TPL đã tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự, tạo điều kiện để người dân có sự lựa chọn phù hợp trong yêu cầu thi hành án dân sự, góp phần xóa bỏ tình trạng "độc quyền" trong thi hành án. Đối với hoạt động tư pháp, TPL không làm xáo trộn, ảnh hưởng mà đã hỗ trợ tích cực, đảm bảo các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo môi trường pháp lý lành mạnh. Đáng chú ý là TPL đã góp phần làm giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là của Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự, trong đó việc tống đạt văn bản, lập vi bằng của TPL đã giúp Tòa án tập trung vào xét xử, tạo lập nguồn chứng cứ góp phần bảo đảm cho việc xét xử khách quan, kịp thời và chính xác, góp phần bảo đảm an toàn cho thẩm phán, cán bộ Tòa án cũng như góp phần hạn chế tiêu cực trong hoạt động này.

   Qua công tác giám sát thực hiện thí điểm về tổ chức hoạt động của TPL trên địa bàn, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh nhận thấy, TPL là chế định còn khá mới ở nước ta nhưng khi đưa vào thí điểm đã đạt được những kết quả rất khả quan, đặt nền tảng và niềm tin vào khả năng nhân rộng của mô hình này trong phạm vi cả nước trong thời gian tới. Có thể nói rằng, TPL là một giải pháp mang tính đột phá nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện thí điểm tại TP.HCM cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cụ thể là: Quy định pháp luật tong một số lĩnh vực chưa thống nhất với chế định pháp luật về TPL, do vậy đã gây ra khó khăn cho TPL trong việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án. Đơn cử là pháp luật về quản lý thuế, nhà đất, tín dụng, đăng ký tài sản...chỉ quy định việc cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên một số cơ quan, tổ chức đã từ chối cung cấp thông tin cho TPL. Do chế định TPL còn quá mới nên nhận thức của người dân, kể cả các cơ quan nhà nước còn hạn chế, do vậy đã gây khó khăn cho hoạt động TPL. Một số TPL và thư ký nghiệp vụ TPL chưa thật sự vững về chuyên môn, nghiệp vụ nên còn lúng túng trong quá trình tác nghiệp. Hơn nữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm còn e ngại trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho TPL...

  Do các Văn phòng TPL được thành lập và hoạt động theo loại mô hình doanh nghiệp đặc thù và từng bước tháo gỡ những vướng mắc, lãnh đạo một số Văn phòng TPL kiến nghị UBNDTP tăng cường công tác tuyên truyền để các cơ quan, tổ chức và người dân hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về TPL, từ đó biết và sử dụng dịch vụ TPL nhiều hơn.

UBNDTP chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan tăng cường phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động TPL, thực hiện tốt việc xem xét hồ sơ việc bổ nhiệm TPL, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm sát hoạt động các Văn phòng TPL và việc khen thưởng, kỷ luật đối với TPL đồng thời tiếp tục duy trì các phiên họp liên tịch giữa Sở Tư pháp với Cục thi hành án dân sự, TAND, Viện KSND thành phố, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các Văn phòng TPL hoạt động đúng hướng, có hiệu quả cao trong thời gian tới.

 

Ảnh- Văn phòng TPL quận 5

 

Ngô Quang Tâm

 


Số lượt người xem: 4291    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm