SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
4
4
9
0
8
7
Tin tức sự kiện 11 Tháng Mười Hai 2012 9:55:00 SA

(TTTP) Đề cương giới thiệu Luật biên giới Quốc gia (Phần 2)

 

1. Chương I. Những quy định chung:

Chương này gồm 14 điều (từ Điều 1 đến Điều 14) quy định về biên giới quốc gia; phạm vi điều chỉnh; đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; khu vực biên giới; nội thủy; vùng nước lịch sử; lãnh hải; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; các hành vi bị nghiêm cấm.

- Biên giới quốc gia là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Biên giới quốc gia được xác định bằng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc do pháp luật Việt Nam quy định. Biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trong lòng đất, trên không được xác định theo Điều 5 Luật Biên giới quốc gia.

- Phạm vi điều chỉnh của luật này quy định về biên giới quốc gia; chế độ pháp lý về biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chấp hành các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Khu vực biên giới bao gồm: Khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền; khu vực biên giới trên biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo; khu vực biên giới trên không gồm phần không gian dọc theo biên giới quốc gia có chiều rộng mười kilômét tính từ biên giới quốc gia trở vào.

- Nội thuỷ của Việt Nam bao gồm: Các vùng nước phía trong đường cơ sở; vùng nước cảng được giới hạn bởi đường nối các điểm nhô ra ngoài khơi xa nhất của các công trình thiết bị thường xuyên là bộ phận hữu cơ của hệ thống cảng.

- Vùng nước lịch sử là vùng nước do những điều kiện địa lý đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế, quốc phòng, an ninh của Việt Nam hoặc của Việt Nam và các quốc gia cùng có quá trình quản lý, khai thác, sử dụng lâu đời được Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan thỏa thuận sử dụng theo một quy chế đặc biệt bằng việc ký kết điều ước quốc tế.

- Lãnh hải của Việt Nam rộng mười hai hải lý tính từ đường cơ sở ra phía ngoài. Lãnh hải của Việt Nam bao gồm lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo.

Luật Biên giới quốc gia xác định việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là sự nghiệp của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước và nhân dân thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Vì vậy, chính sách xây dựng biên giới phải trên cơ sở hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng, việc giải quyết các vấn đề về biên giới quốc gia thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau. Bên cạnh đó, Luật Biên giới quốc gia quy định nhà nước có chính sách ưu tiên đặc biệt xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khu vực biên giới; xây dựng công trình biên giới và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Điều 14 quy định chi tiết về các hành vi bị nghiêm cấm. Đây là các quy định cần thiết, để xác định những trường hợp vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động biên giới quốc gia.

2. Chương II. Chế độ pháp lý về biên giới quốc gia, khu vực biên giới:

Gồm 10 điều (từ Điều 15 đến Điều 24) quy định về các hoạt động đặc thù có liên quan ở khu vực biên giới quốc gia.

Điều 15 Luật Biên giới quốc gia quy định việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới quốc gia được thực hiện tại cửa khẩu; việc quá cảnh qua biên giới vào lãnh thổ đất liền, vùng biển, vùng trời phải tuân thủ quy định đi theo các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường hàng hải, đường hàng không; việc qua lại biên giới của nhân dân trong khu vực biên giới được thực hiện tại cửa khẩu hoặc nơi mở ra cho qua lại biên giới. Người, phương tiện, hàng hoá qua lại biên giới quốc gia phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Việc mở cửa khẩu và nơi mở ra cho qua lại biên giới, nâng cấp cửa khẩu, đóng cửa khẩu, xác định các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường hàng hải, đường hàng không dùng cho việc quá cảnh được quy định tại điều 16 Luật Biên giới quốc gia.

Khu vực kiểm soát được thiết lập tại cửa khẩu để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, làm các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định cơ quan chủ trì phối hợp để quản lý và giữ gìn an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu.

Tàu thuyền nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác phải đi nổi và treo cờ quốc tịch. Tuy nhiên đối với tàu bay, ngoài các quy định giống của tàu thuyền nước ngoài, thì tàu bay chỉ được bay qua biên giới quốc gia và vùng trời Việt Nam sau khi được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép, phải tuân thủ sự điều hành, kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan quản lý bay Việt Nam.

Ngoài ra, đối với đối tượng đặc biệt là tàu thuyền nước ngoài có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu thuyền chuyên chở chất phóng xạ, chất nguy hiểm độc hại khác khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam phải mang đầy đủ các tài liệu và áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Trong trường hợp đối tượng này thực hiện hoạt động khác trong lãnh hải Việt Nam thì phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép và phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt theo quy định pháp luật.

Điều 21 Luật Biên giới quốc gia quy định trường hợp hạn chế hoặc tạm ngừng qua lại biên giới quốc gia, kể cả việc đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam đối với người, phương tiện, hàng hóa trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, lý do đặc biệt khác hoặc theo đề nghị của nước hữu quan. Quyết định về việc hạn chế, tạm ngừng phải được thông báo cho chính quyền địa phương và nhà chức trách của nước hữu quan biết.

Luật cũng quy định về trường hợp buộc phải qua biên giới quốc gia mà không thể tuân theo các quy định của Luật Biên giới quốc gia và các quy định khác có liên quan khi xảy ra tai nạn, sự cố hoặc vì lý do khách quan khác thì người điều khiển phương tiện phải thông báo ngay với cảng vụ, cơ quan cứu hộ và cứu nạn quốc gia, cơ quan quản lý bay hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam nơi gần nhất và thực hiện theo sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Điều 23, 24 quy định về xây dựng, hoạt động ở khu du lịch, dịch vụ, thương mại, kinh tế ở khu vực biên giới phải tuân theo quy chế khu vực biên giới và theo quy định pháp luật có liên quan.

3. Chương III. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới: Gồm 10 điều (từ Điều 25 đến Điều 34)

Nhà nước có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân định cư ở khu vực biên giới. Hàng năm, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình lập kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, điều chỉnh dân cư khu vực biên giới, công trình biên giới trình Chính phủ quyết định.

Luật quy định ngày 03 tháng 3 hàng năm là “Ngày biên phòng toàn dân”. Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng công trình biên giới, mốc quốc giới để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Nhà nước xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

Chương này đã nêu một nội dung rất quan trọng là xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là nhiệm vụ của Nhà nước và của toàn dân, trước hết là của chính quyền, nhân dân khu vực biên giới và các lực lượng vũ trang nhân dân; xác định bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật. Nhà nước xây dựng Bộ đội biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.

Để xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia, nhà nước quy định có chính sách, chế độ ưu đãi đối với người trực tiếp và người được huy động làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Người được cơ quan có thẩm quyền huy động tham gia bảo vệ biên giới quốc gia mà hy sinh, bị thương, bị tổn hại về sức khoẻ thì được hưởng chính sách, chế độ như đối với dân quân, tự vệ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tổ chức, cá nhân có phương tiện, tài sản được cơ quan có thẩm quyền huy động trong trường hợp cấp thiết để tham gia bảo vệ biên giới quốc gia bị thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo cho hoạt động xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Luật quy định nguồn tài chính được huy động gồm ngân sách nhà nước cấp, các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

4. Chương IV. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia: (từ Điều 35 đến Điều 37)

Nội dung quản lý nhà nước về biên giới quốc gia bao gồm: Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách về biên giới quốc gia; ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về biên giới quốc gia, chính sách, chế độ về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế về biên giới quốc gia; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới quốc gia; quyết định xây dựng công trình biên giới, công trình kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về biên giới quốc gia; hợp tác quốc tế trong việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Điều 36 quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có biên giới quốc gia thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia.

Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có biên giới quốc gia thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia theo quy định của Chính phủ (Điều 37).

5. Các nội dung còn lại:

Các nội dung còn lại quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm; hiệu lực thi hành của Luật Biên giới quốc gia. Điều 38 quy định việc khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Điều 39 quy định tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về biên giới quốc gia thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2004, những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ./.

Trần Đình Trữ

Trưởng phòng Pháp chế - TTTP.HCM


Số lượt người xem: 6616    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm