SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
4
4
4
9
0
6
4
Tin tức sự kiện 11 Tháng Mười Hai 2012 9:50:00 SA

(TTTP) Đề cương giới thiệu Luật biên giới Quốc gia (Phần 1)

 

Luật Biên giới quốc gia được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2003. Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2004.

Luật này được xây dựng dựa trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà Việt Nam đã ký kết gia nhập là thành viên năm 1994, nhằm thể hiện rõ quan điểm “Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh của đất nước.”

Phòng Pháp chế phối hợp với Chi hội luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT BIÊN GIỚI QUỐC GIA

Biên giới quốc gia giới hạn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, là tuyến đầu Tổ quốc, nơi giao tiếp đầu tiên giữa nước ta với các nước và người nước ngoài khi đến Việt Nam.

Nước ta có biên giới trên đất liền với Trung Quốc, Lào, Campuchia dài khoảng 4.510 km, bờ biển dài 3.260 km. Dọc biên giới trên đất liền có hàng chục cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và rất nhiều cửa khẩu địa phương (cửa khẩu phụ), ven biển, các đảo và quần đảo có các cảng biển, cửa sông, cửa lạch cho tàu thuyền ra vào.

Trong tình hình nền kinh tế mở cửa, giao lưu thương mại, hợp tác đầu tư ngày càng được mở rộng và phát triển, cũng như tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ ngày càng gia tăng trên khắp các tuyến biên giới, gây không ít khó khăn cho các lực lượng chuyên trách, các cấp, các ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự biên giới đất liền, trên biển đảo và tại các cửa khẩu.

Nguyên nhân là do về biên giới quốc gia hiện vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào hoàn chỉnh, thống nhất, có hiệu lực pháp lý của một đạo luật. Vì vậy, để quy định về biên giới quốc gia; chế độ pháp lý về biên giới; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới thì việc ban hành Luật Biên giới quốc gia là vô cùng cần thiết.

II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT BIÊN GIỚI QUỐC GIA

Luật Biên giới quốc gia được xây dựng “Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng”,  gồm 6 chương 41 điều được quy định cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung

Chương II. Chế độ pháp lý về biên giới quốc gia, khu vực biên giới

Chương III. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới

Chương IV. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia

Chương V. Khen thưởng và xử lý vi phạm

Chương VI. Điều khoản thi hành

 

Trần Đình Trữ

Trưởng phòng Pháp chế - TTTP.HCM


Số lượt người xem: 7474    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm