Sáng ngày 22/11/2012, tại khách sạn Tao Đàn, quận 1, TP.Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức hội nghị tổng kết Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Tới dự và chủ trì hội nghị có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, Vụ trưởng Vụ pháp chế- TTCP Đỗ Gia Thư, các thành viên Ban chỉ đạo Đề án 137, đại diện Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, các trường, học viện thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục đào tạo (GDĐT), tham gia Đề án 137.
Theo ông Đỗ Duy Thư- Vụ trưởng Vụ Pháp chế- TTCP, căn cứ Quyết định số 137/2009/QĐ- TTg ngày 2/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên trong đấu tranh PCTN; phát huy vai trò của xã hội, của các cơ quan nhà nước, qua đó tạo ra phong trào sâu rộng đấu tranh PCTN, từng bước hình thành văn hóa chống tham nhũng. Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng các chương trình, tài liệu phục vụ việc giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng người học. Kết quả triển khai Đề án, Ban chỉ đạo đã biên soạn được 12 cuốn sách tài liệu về PCTN và lực chọn 14 trường thuộc các hệ đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường nghề để chỉ đạo việc giảng dạy thí điểm. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT chỉ đạo các Sở GDĐT lựa chọn 8 trường trung học phổ thông tại Hà Nội, Nam Định, TP.Hồ Chí Minh, Bến Tre, triển khai thực hiện thí điểm đưa nội dung PCTN vào giảng dạy.
Qua kết quả kiểm tra và tổng kết của các Bộ, ngành, sau gần 3 năm triển khai Đề án 137, với sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo, quan tâm của lãnh đạo các Bộ, ngành và nỗ lực của Tổ thư ký, các Tổ công tác, việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án về cơ bản đã hoàn thành. Mặc dù còn một số điểm hạn chế nhưng nhìn chung Ban chỉ đạo và Tổ thư ký Đề án đã hoạt động rất tích cực và hiệu quả, góp phần quyết định thành công bước đầu của Đề án.
Hội nghị được nghe các tham luận của đại diện Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 137 Bộ Công an, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.Hồ Chí Minh, Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, tỉnh Bến Tre, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ TP.Hồ Chí Minh...Các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết phải đưa nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường nghề, trường THPT và nêu ra những cách làm hay, những bài học kinh nghiệm trong thực tế giảng dạy ở các trường. Các đại biểu cũng phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa nội dụng PCTN vào giảng dạy đồng thời có những đề xuất, kiến nghị mang tính thiết thực, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc đưa chương trình PCTN vào giảng dạy trong nhà trường.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 137 Trần Đức Lượng, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực và tâm huyết của lãnh đạo các đơn vị và cá nhân tham gia thí điểm Đề án. Đó là những ý kiến phong phú, đa dạng, hấp dẫn, là kết quả ban đầu trong việc triển khai và tính khả thi cao của Đề án. Ban chỉ đạo tiếp thu ý kiến và kiến nghị, đề xuất của các đại biểu về chương trình khung, nội dung, thời lượng của nội dung PCTN vào giảng dạy ở các nhà trường; tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giảng viện, giáo viên đồng thời đảm bảo kinh phí và tăng cường cơ sở vật chất cho việc triển khai Đề án. Sắp tới, TTCP tổ chức hội nghị tổng kết Đề án đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo tại các tỉnh phía Bắc, sau khi tổng hợp ý kiến của các đại biểu trong 2 hội nghị, Ban chỉ đạo Đề án 137 và Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.
Ảnh- Quang cảnh hội nghị
Ngô Quang Tâm