Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 quy định chi tiết việc thi hành một số điều của Luật Tố cáo (TC), có hiệu lực từ ngày 20/11/2012. Nghị định gồm 5 chương 26 điều, thay thế các quy định về TC, giải quyết TC trong Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 4/1/2006 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại tố cáo (KNTC), các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KNTC.
Phải công khai kết luận nội dung tố cáo.
Tại điều 2 của Nghị định 76/2012/NĐ-CP có nêu đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam, cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam trong việc tố cáo (TC) cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị TC; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết TC và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc giải quyết TC.
Điều 11 quy định phải công khai kết luận nội dung TC, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị TC, theo đó, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận nội dung TC, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị TC, người giải quyết TC có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận nội dung TC, quyết định xử lý hành vi bị TC. Đối với TC hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, việc công khai kết luận nội dung TC, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị TC theo 1 trong các hình thức sau: Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác; Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức giải quyết TC, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị TC trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết và Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, gồm: Báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử.
Bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo.
Khi tiếp nhận TC, thụ lý giải quyết TC, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải nghiên cứu, xác định nội dung vụ việc, những thông tin nếu tiết lộ sẽ gây bất lợi cho người TC để áp dụng biện pháp phù hợp nhằm giữ bí mật thông tin cho người TC. Trường hợp cần thiết có thể lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người TC ra khỏi đơn TC và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đồng thời lưu trữ và quản lý thông tin về người TC theo chế độ thông tin mật.
Trong quá trình giải quyết TC, nếu có yêu cầu làm việc trực tiếp với người TC, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người giải quyết TC phải bố trí thời gian, địa điểm và lựa chọn phương tiện làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người TC. Trường hợp phát hiện người không có thẩm quyền có hành vi thu thập thông tin về người TC, người giải quyết TC có trách nhiệm áp dụng biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý đối với người có hành vi vi phạm.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, phối hợp giải quyết TC, thi hành quyết định xử lý hành vi vi phạm bị TC có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người TC.
Bào vệ người tố cáo và người thân thích của người tố cáo
Nghị định 76/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người TC và người thân thích của người TC. Khi có căn cứ cho rằng việc TC có thể gây nguy hại đền tính mạng, sức khỏe của mình hoặc người thân thích của mình, người TC có quyền yêu cầu người giải quyết TC, cơ quan Công an nơi người TC, người thân thích của người TC cư trú, làm việc, học tập hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Yêu cầu bảo vệ của người TC phải bằng văn bản. Trường hợp khẩn cấp, người TC có thể yêu cầu trực tiếp bằng miệng hoặc thông qua các phương tiện thông tin khác nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.
Trong quá trình giải quyết TC, nếu có căn cứ thấy có nguy cơ gây thiệt hạị về tính mạng, sức khỏe của người TC, người thân thích của người TC thì người giải quyết TC có trách nhiệm chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan Công an nơi người được bảo vệ cư trú, làm việc, học tập hoặc cơ quan, tổ chức, có nhân khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ và thông báo cho người bảo vệ biết. Trường hợp xác định hành vi xâm hại người được bảo vệ đang diễn ra hoặc có nguy cơ xảy ra ngay tức khắc, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại, người có thẩm quyền giải quyết TC phải chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan Công an nơi người được bảo vệ cư trú, làm việc, học tập hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền để áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ. Khi đã ngăn chặn được hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người được bảo vệ, tùy theo từng trường hợp cụ thể, người có thẩm quyền giải quyết TC chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan Công an nơi người được bảo vệ cư trú, làm việc, học tập hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ
Tại các Điều 15, 16, 17 của Nghị định còn quy định các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền phải bảo vệ tài sản của người TC, người thận thích của người TC; bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và các quyền nhân thân khác của người TC, người thân thích của người TC. Bên cạnh đó, còn phải bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người TC, người thân thích của người TC là công dân, công chức, viên chức, bảo vệ việc làm đối với người TC, người thân thích của người TC là người làm việc theo hợp đồng lao động mà không phải là viên chức.
Khen thưởng người có thành tích trong việc tố cáo.
Điều 19 của Nghị định 76/2012/NĐ-CP quy định việc khen thưởng phảỉ chính xác, công bằng, kịp thời, đảm bảo thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất. Việc xét khen thưởng chỉ thực hiện một lần đối với 1 thành tích của mỗi đối tượng.
Các hình thức khen thưởng gồm: Huân chương Dũng cảm; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch Nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan Trung ương, các đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giấy khen của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và tương đương, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị khác có thẩm quyền.
Nguồn kinh phí khen thưởng đối với người có thành tích trong việc TC được trích từ quỹ khen thưởng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết TC. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh ra Chính phủ, Bộ Nội vụ quy định cụ thể về việc lập, quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng người có thành tích trong việc TC. Cá nhân người có thành tích trong việc TC ngoài việc được khen thưởng Huận chương, Bằng khen, Giấy khen theo quy định tại Nghị định này còn được kèm theo 1 khoản tiền thưởng. Mức thưởng dựa trên cơ sở mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
Đối với người có thành tích trong việc TC hành vi tham nhũng thì được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Ảnh- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đối thoại với công dân



Ngô QuangTâm