Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật là một nhiệm vụ hết sức quan trọng mà hiện nay Đảng và Nhà nước rất quan tâm, bởi lẽ nếu chỉ làm tốt nhiệm vụ giải quyết khiếu nại là chưa đủ, nếu quyết định giải quyết đó chưa được thực thi vào trong thực tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, giúp ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xác định được tầm quan trọng này thời gian qua, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 67/1998/NĐ-CP ngày 07/8/1998, Nghị định số 53/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005, Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chỉnh phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành: Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 và Luật Khiếu nại năm 2011... Tuy nhiên các văn bản này chỉ dừng lại ở mang tính chất quy định chung, chưa có một quy định nào hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Do đó, việc xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết, đảm bảo việc thực hiện dứt điểm, nghiêm túc các quy định pháp luật về khiếu nại.
Sự cần thiết của việc xây dựng Quy chế tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật còn thể hiện qua các mặt như sau:
Thứ nhất, về quy định pháp luật, qua rà soát 21 văn bản cho thấy các vấn đề mà những văn bản đề cập đều chủ yếu là những chủ trương, định hướng hoặc là những quy định chung về tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật (cụ thể đạo Luật Khiếu nại năm 2011 mới vừa có hiệu lực ngày 01 tháng 7 năm 2012 chỉ mới quy định 03 điều về thi hành quyết định, chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành), mà chưa có một chế định nào quy định cụ thể về vấn đề tổ chức thi hành quyết định. Điều này đã dẫn đến trong thực tế đã tạo nên những bất cập và lúng túng, không thống nhất, mỗi nơi làm một kiểu làm hiệu quả, hiệu lực công tác giải quyết khiếu nại dứt điểm chưa cao, đôi lúc làm phát sinh khiếu nại thực tế kéo dài, phúc tạp. Thực tiễn tại thành phố Hồ Chí Minh đã ban 02 Quyết định như: số 84/2001/QĐ-UB ngày 21 tháng 9 năm 2001 và số 132/2006/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2006 về ban hành Quy định tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố, quy định cụ thể về công tác tổ chức thi hành quyết định. Tuy nhiên những quy định này chỉ đáp ứng cho yêu cầu của từng giai đoạn, đến nay đã lạc hậu không đáp ứng với tình hình thực tế và sự thay đổi của pháp luật. Do đó, việc xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật hiện nay và trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết để chi tiết và cụ thể hóa pháp luật, đáp ứng với yêu cầu thực tế khách quan hiện nay đòi hỏi phải năng cao hiệu lực thi hành quyết định (kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ quyết định thực hiện được còn rất thấp, dưới 70% chiếm 31,3%, từ 70% đến 90% chiếm 45%).
Thứ hai, khảo sát thực tế về công tác tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật thì hầu hết các cơ quan cho rằng rất khó tổ chức thực hiện do thiếu các quy định của pháp luật quy định về trình tự, thủ tục; cơ chế phối hợp, theo dõi và chế tài đối với đối tượng không thực thi quyết định. Đa số những người được khảo sát (chiếm 95,1%) đều cho rằng cần phải xây dựng Quy chế và áp dụng Quy chế này trong thực tế sẽ tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa ; tạo dễ dàng, thuận tiện khi triển khai tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
Thứ ba, từ kết quả khảo sát cho thấy việc ban hành “Quy chế tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật” sẽ là cơ sở pháp lý rất quan trọng trong việc tổ chức thực hiện; thống nhất trình tự, thủ tục và nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, đảm bảo mọi quyết định đề phải thực hiện một cách nghiêm túc, đúng thời hạn quy định.
Như vậy, từ những phân tích về các quy định pháp luật và thực tiễn đã khẳng định rằng việc xây dựng “Quy chế tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật” là hết sức cần thiết, mang tính khách quan và là vấn đề thời sự hiện nay, sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nâng cao chất lượng trong việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước.
Tải file đính kèm:
1. Dẫn đề hội thảo
2. Báo cáo khảo sát
3. Quy chế
Kiên Trúc