Ngày 11-11-2011, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật Tố cáo. Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố Luật Tố cáo và Luật có hiệu lực từ ngày 01-7-2012.
Chi hội luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT TỐ CÁO
Trong những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm phát sinh nhiều tố cáo trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, cũng như tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Số vụ việc tố cáo tiếp tục gia tăng, tính chất gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước xác định giải quyết tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan nhà nước và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo là nội dung quan trọng trong cải cách hành chính nhà nước và phát huy quyền dân chủ của nhân dân, bảo vệ quyền công dân, xây dựng xã hội dân chủ, văn minh.
Luật Khiếu nại, tố cáo ban hành năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 đã góp phần tạo lập khung pháp lý quan trọng để người dân tích cực tham gia phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong giải quyết tố cáo, góp phần phát huy dân chủ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, qua tổng kết cho thấy công tác giải quyết tố cáo còn nhiều hạn chế, hiệu quả giải quyết các vụ việc tố cáo chưa cao. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân là do các quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa bao quát hết những tố cáo phát sinh trong thực tiễn cần được điều chỉnh bằng pháp luật. Luật chỉ tập trung quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước; chưa quy định tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về các lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong khi đó, nhiều văn bản pháp luật lại quy định việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được thực hiện theo Luật Khiếu nại, tố cáo.
Trong Luật Khiếu nại, tố cáo, việc xác định thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp nhận và xử lý các loại tố cáo mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của các cơ quan cũng như trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, Luật cũng chưa quy định đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, người được giao nhiệm vụ xác minh, kết luận nội dung tố cáo, xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; chưa quy định về việc công khai các quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; chưa quy định rõ cơ chế bảo vệ người tố cáo khi họ bị đe dọa, trả thù, trù dập hoặc bị phân biệt đối xử; chưa quy định phạm vi, đối tượng, thời hạn bảo vệ cũng như quyền, nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ...
Từ những lý do trên, việc xây dựng và ban hành Luật Tố cáo nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác giải quyết tố cáo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế hiện nay là yêu cầu khách quan và rất cần thiết.
II. QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG LUẬT TỐ CÁO
Việc xây dựng Luật Tố cáo dựa trên những quan điểm và nguyên tắc cơ bản sau:
1. Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về giải quyết tố cáo, cải cách nền hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hội nhập quốc tế;
2. Luật Tố cáo phải có nội dung và phạm vi điều chỉnh hợp lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; quy định rõ trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo; có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo;
3. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Luật Tố cáo trong hệ thống pháp luật, phù hợp với những quy định của các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm tính khả thi của Luật Tố cáo;
4. Việc xây dựng Luật Tố cáo trên cơ sở tổng kết thực tiễn và việc thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua; kế thừa những nội dung còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.
Trần Đình Trữ
Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra TP. HCM