SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
2
6
4
2
6
0
Tin tức sự kiện toàn ngành 12 Tháng Tư 2017 8:10:00 SA

(TTTP) Dùng hơn 300 sổ đỏ giả chiếm đất công cộng?

 

                                       

Cập nhật: 11/04/2017 07:29

(Thanh tra)- Ngày 7/4/2017, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về xác minh, làm rõ khiếu nại của công dân Huỳnh Văn Cò, ngụ tại nhà 231A/8, đường Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8, TP HCM liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) có dấu hiệu giả mạo, đại diện Cục III đã tiếp nhận thêm nội dung kiến nghị của ông Cò về hàng trăm ngàn m2 đất công cộng bị chiếm đoạt với hơn 300 phôi sổ đỏ, không có hồ sơ gốc, được cấp sai đối tượng tại quận 7.

 

 

Chuyện động trời tại quận 7 (TP HCM): Dùng hơn 300 sổ đỏ giả chiếm đất công cộng?

Hàng trăm ngàn m2 đất công cộng, sát tường rào dự án nhà ở Him Lam, phường Tân Hưng, đã được hợp thức hóa sai đối tượng bằng 300 phôi sổ đỏ. Ảnh: Giáng Thăng

Dùng phôi sổ đỏ chiếm đất công cộng

Từ các hồ sơ thu thập được trong hơn 9 năm qua, ông Cò đã phát hiện hàng trăm phôi sổ đỏ, đáng lẽ phải hủy vì không đúng mẫu của Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát hành. Tuy nhiên, hơn 300 phôi sổ này được hợp thức hóa thành sổ đỏ để sử dụng trong giai đoạn 1994 - 1995, với hình thức đánh máy thêm vào diện tích, thêm tên người sử dụng, cũng như tên người ký sổ để hợp thức hóa hàng trăm ngàn m2 đất đường giao thông, đất ven kênh rạch. Những khu đất đã được quy hoạch là cảng sông ông Lớn, ven tường rào khu nhà ở Him Lam, thuộc địa bàn phường Tân Hưng, quận 7. Hầu hết cá nhân có tên trên 300 sổ đỏ này đều không phải là đối tượng được giao, cấp đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, một lãnh đạo Thanh tra TP HCM cho rằng: Nếu đối chiếu với Quyết định số 201/QĐ/ĐKTK ngày 14/7/1989 của Tổng cục Địa chính về quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp thì hơn 300 sổ đỏ mà ông Cò kiến nghị làm rõ (có ngày ký là 30/12/1994, và 30/12/1995), về thẩm quyền là không đúng quy định, vì Ủy viên UBND huyện Nhà Bè không đủ thẩm quyền ký, không thể hiện thời gian sử dụng đất, không có hồ sơ gốc. Trước đây, Thanh tra TP HCM khi được giao xác minh một số vụ việc khiếu nại giá đền bù đất tại một số phường tại quận 7, đã phát hiện nhiều sổ đỏ bất thường và có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý kỷ luật nhiều cán bộ thuộc UBND quận 7, cũng như thu hồi, quản lý diện tích đất cấp sai đối tượng.

 

Quán nhậu Thủy Mộc tại số 300 đường Lê Văn Lương, là 1 trong 8 thửa đất trong sổ đỏ có tên ông Thống, nằm cách phần đất mà ông Cò khiếu nại hơn 1km. Ảnh: Giáng Thăng

 

Liên quan đến khiếu nại của ông Cò về Sổ đỏ số 387/QSDĐ, có tên ông Nguyễn Đức Thống, có ghi ngày cấp là 30/12/1995, có tên người ký là ông Trần Ngọc Hùng với tư cách là Ủy viên Ủy ban huyện Nhà Bè, với 33.903m2 đất nông nghiệp, gồm 8 thửa nằm cách xa nhau hàng trăm thửa, lãnh đạo Thanh tra TP HCM cũng đã có Báo cáo số 782/BC-TTTP ngày 27/12/2016 với nội dung phân tích đầy đủ pháp lý của sự việc để xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM.

Để xử lý dứt điểm vấn đề này, theo Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng, nếu đất giao thông, đất ven sông rạch là công thổ quốc gia nhưng được cấp sổ đỏ cho các cá nhân khác không đúng pháp luật thì các cơ quan thanh tra, cơ quan bảo vệ pháp luật phải làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngoài việc thu hồi sổ đỏ đã cấp, các cơ quan chức năng của TP HCM phải tiến hành quản lý toàn bộ diện tích đất này, sau đó phân loại từng trường hợp để có chính sách xử lý phù hợp.

 

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý địa bàn, Cục III đã tiếp nhận kiến nghị của công dân Huỳnh Văn Cò để xác minh, làm rõ, sau đó có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP HCM xử lý nghiêm sai phạm trong quản lý, sử dụng đất công cộng tại quận 7.

Cấp trên quyết liệt, cấp quận buông xuôi

Khi đi tìm câu trả lời vì sao 8 thửa đất nằm cách xa nhau hàng trăm thửa nhưng lại được tồn tại trên Sổ đỏ số 387/QSDĐ mang tên ông Thống, trong đó có cả phần đất 13.000m2 và phần mộ của gia tộc, ông Cò lại phát hiện ra sự thật giật mình khác. Đó là cá nhân ông Thống, cũng như Cty TNHH điện tử Tiến Đạt thời điểm ông Thống làm Giám đốc đã có tên trên nhiều sổ đỏ với hàng chục ha đất, trong đó có đất lộ giới giao thông, đất sông rạch. Khi hạ tầng giao thông quận 7 phát triển, hàng loạt khu đất này đã được cho thuê hoặc chuyển nhượng với giá hàng chục triệu đồng/m2, trong đó có khu đất mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, dù đang bị gia đình bà Phạm Thị Lụa khiếu nại nhưng Cty TNHH điện tử Tiến Đạt vẫn cho thuê làm quán nhậu, phòng khám.

Hơn 9 năm qua, ông Cò vẫn kiên trì đề nghị Chủ tịch UBND quận 7 tiếp công dân, cũng như xác minh một cách khách quan về quyền sử dụng 13.000m2 đất tại ven sông ông Lớn. Phần đất này do gia đình ông Cò khai phá từ năm 1960 và sử dụng qua nhiều thời kỳ biến động nhà đất tại địa phương, trên đất vẫn còn nhiều phần mộ của gia tộc họ Huỳnh nhưng lại bị biến thành 5 thửa đất nông nghiệp trên Sổ đỏ số 387/QSDĐ, có tên ông Thống, ghi ngày cấp là 30/12/1995.

  

Đến nay, ông Cò chỉ nhận được thông báo của Phó Chủ tịch UBND quận 7 Đào Gia Vượng là hết thời hiệu giải quyết, còn nội dung tố cáo ông Thống về hành vi xâm phạm mồ mả thì lại bị Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình trả lời là không có cơ sở giải quyết vì cán bộ văn thư UBND phường Tân Hưng làm thất lạc đơn và hồ sơ liên quan.

Liên quan đến sự việc này, Văn phòng Chính phủ ngày 14/3/2017 đã có Văn bản số 2303/VPCP-V.I, chuyển đơn của công dân Huỳnh Văn Cò đến Chủ tịch UBND TP HCM để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Ngoài ra, trong tháng 3/2017, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cũng đã có văn bản giao Cục III xem xét, giải quyết các nội dung khiếu nại của công dân Huỳnh Văn Cò để hạn chế tiếp khiếu vượt cấp.

Giáng Thăng


Số lượt người xem: 1319    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm