Buổi tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia đến từ Bộ Tư pháp, khoa Luật Đại học Quốc gia, Viện Nhà nước và Pháp luật…, cùng toàn thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức Viện Khoa học Thanh tra. TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện khoa học Thanh tra chủ trì buổi tọa đàm.


 

Toàn cảnh Tọa đàm sinh hoạt khoa học

 

Bàn vấn đề này, Giáo sư Bùi Xuân Đức, nguyên Trưởng Ban dân chủ pháp luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, khái niệm Nhà nước kiến tạo và phát triển là một khái niệm đã được thế giới biết đến mấy chục năm qua nhưng nó lại là một vấn đề khá mới tại Việt Nam. Theo đó, mục đích chính của Nhà nước kiến tạo và phát triển phải thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ cho sự phát triển của xã hội. Nói cách khác, Nhà nước thay đổi chức năng của mình trong mối quan hệ với thị trường.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Bộ môn Lý luận và Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Đại học Quốc gia cho biết thêm, Nhà nước kiến tạo và phát triển chủ yếu được tiếp cận dưới góc độ kinh tế. Cụ thể, Nhà nước sẽ đưa ra các luật chơi để doanh nghiệp tạo ra giá trị, khu vực tư nhân sẽ là nhóm được hưởng ưu đãi vì họ là chủ thể chính. 

Theo TS. Đinh Văn Minh, với những ý kiến đưa ra tại buổi tọa đàm này cho thấy, mô hình Nhà nước kiến tạo và phát triển sẽ tạo ra sự thay đổi về mối quan hệ giữa Nhà nước với xã hội. Nhà nước sẽ giữ vai trò định hướng, tạo dựng khuôn khổ thể chế, môi trường, dự báo và quản trị rủi ro, điều tiết khi cần thiết, các quy luật của thị trường được tôn trọng ở mức tối đa... 

Liên quan đến sự thay đổi về vai trò của cơ quan Thanh tra nhà nước trong mô hình Nhà nước kiến tạo và phát triển, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra cho rằng, cơ quan Thanh tra sẽ quay trở về mô hình hoạt động theo Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt ngày 23/11/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Theo đó, hoạt động thanh tra sẽ đi vào việc kiểm soát công việc của Chính phủ để hướng tới một Chính phủ liêm chính. Quan điểm này cũng đồng nhất với quan điểm về Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo xu hướng đảm bảo tính tập trung, chủ động, chịu trách nhiệm trong hoạt động của các cơ quan thanh tra không phụ thuộc quá nhiều vào cơ quan quản lý… Cùng với xu hướng phát triển Nhà nước kiến tạo và phát triển, sự thay đổi về vai trò và hoạt động của ngành Thanh tra là một điều kiện tất yếu đặt ra trong giai đoạn sắp tới./.

P.V