SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
2
4
0
2
2
4
Tin tức sự kiện toàn ngành 22 Tháng Tám 2017 7:40:00 SA

(TTTP) Tăng cường công tác thanh tra đóng bảo hiểm xã hội


(ThanhtraVietNam) - Tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp) diễn ra nhiều năm và chưa có xu hướng giảm, ngày càng phức tạp. Để hạn chế tình trạng này việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra đóng bảo hiểm xã hội là một yêu cầu cấp thiết.


Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến đầu tháng 7, tổng số nợ trong cả nước gần 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội chiếm gần 9.600 tỷ đồng; nợ bảo hiểm thất nghiệp hơn 540 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế là 3.625 tỷ đồng.

Hiện nay, những biện pháp, chế tài của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với mức phạt còn thấp; nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động chưa cao; các đối tượng kiểm tra đôi khi còn cản trở, không hợp tác; những hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình phối hợp đã dẫn đến việc trao đổi thông tin hoặc cung cấp hồ sơ về tình hình vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được kịp thời, chưa tập trung; công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay mới chỉ dừng ở phát hiện, kiến nghị, hiệu quả thực thi kết luận thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; cơ quan Bảo hiểm xã hội không còn được giao quyền khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chức năng này đã được giao cho tổ chức công đoàn, nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, nên việc thu hồi nợ đọng gặp nhiều khó khăn…

Trong bối cảnh đó, thực hiện quy định của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014, từ tháng 6/2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có chức năng thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng xác định công tác thanh tra, kiểm tra là phương thức quản lý hữu hiệu, với chế tài xử phạt phải đủ mạnh để tác động đến hành vi của đối tượng. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra không chỉ giúp phát hiện, thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, mà quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của Hiến pháp 2013.


 

 Ảnh minh họa


Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ trì tổ chức thanh tra, tham gia thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại 09 đơn vị, tỉnh, thành phố; kiểm toán nội bộ tại Bảo hiểm xã hội 04 tỉnh, thành phố. Bảo hiểm xã hội các địa phương tiến hành kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng tại 5.358 đơn vị, trong đó: thanh tra chuyên ngành đóng tại 1.075 đơn vị; kiểm tra tại 193 cơ quan Bảo hiểm xã hội; 2.264 đơn vị sử dụng lao động; 252 cơ sở khám chữa bệnh và 894 đại lý thu, đại diện chi trả; phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 680 đơn vị.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số vi phạm như: Chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đóng thiếu mức quy định cho người lao động; chưa kịp thời làm thủ tục cấp sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động; chi chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn không đúng quy định; lao động đi làm hưởng lương nhưng vẫn hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa đúng quy định... Trên cơ sở đó, đề nghị thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội 2,1 tỷ đồng; về quỹ bảo hiểm y tế 44,9 tỷ đồng do chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định; yêu cầu rà soát 1,25 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh do chi sai quy định.

Những kết quả trong thời gian đầu thực hiện thanh tra đóng bảo hiểm xã hội khá khả quan so với hoạt động kiểm tra trước đây. Tuy nhiên, nếu so sánh số lượng các cuộc thanh tra đã được tiến hành với số đơn vị vi phạm, rõ ràng công tác này vẫn còn khoảng cách khá xa so yêu cầu.

Phải nhìn nhận rằng, sau hơn 1 năm thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội đi vào hoạt động, do lực lượng vẫn còn mỏng nên việc triển khai chức năng thanh tra của ngành bảo hiểm xã hội bước đầu còn gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện nay lực lượng thanh tra lao động ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu. Cả nước có trên 492 cán bộ thanh tra và mỗi cán bộ phải phụ trách theo dõi 100.000 lao động. Trong khi đó, ILO khuyến nghị các nước đang phát triển cứ 1 cán bộ thanh tra phụ trách từ 1.000 - 2.000 lao động, còn với những nước phát triển thì tỉ lệ này sẽ cao hơn.

Thanh kiểm tra là phương thức của quản lý, không chỉ là phát hiện, thu hồi số tiền bảo hiểm còn nợ mà quan trọng là nâng cao công tác bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động, người hưu trí và các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội khác. Để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Bảo hiểm xã hội là một yêu cầu cấp thiết./.

 

Oanh Vũ

 


Số lượt người xem: 1948    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm