SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
4
5
3
9
3
Phòng chống tham nhũng 13 Tháng Bảy 2017 7:35:00 SA

(TTTP) Tham nhũng không được đặt tiền để tại ngoại

 

(PL)- Nhiều trường hợp không được đặt tiền để tại ngoại, trong đó có người phạm tội về tham nhũng, ma túy, xâm phạm an ninh quốc gia…


Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao và TAND Tối cao vừa xây dựng dự thảo thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 BLTTHS 2015. Nhiều chuyên gia cho rằng hướng dẫn là cần thiết, kịp thời vì BLTTHS đã quy định rõ nhưng nếu không chi tiết thì không áp dụng được.

Cần thiết vì luật đã quy định

Theo dự thảo thông tư, với tội phạm ít nghiêm trọng, số tiền phải đặt là 30 triệu đồng; tội phạm nghiêm trọng là 100 triệu đồng; tội phạm rất nghiêm trọng mức đặt là 200 triệu đồng. Mức tiền này có thể giảm nếu bị can, bị cáo là đối tượng chính sách, người dưới 18 tuổi, tâm thần, người đủ 70 tuổi trở lên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi...

Dự thảo cũng đưa ra nhiều điều kiện để được đặt tiền bảo lĩnh. Nếu thực hiện không đúng cam đoan thì sẽ bị tạm giam, số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Nếu chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì VKS, tòa án có trách nhiệm trả lại số tiền đã đặt…

“Đặt cọc bằng tiền để bảo lĩnh tại ngoại là chế định phù hợp với xu hướng quốc tế, nhiều nước đã áp dụng. Nó khắc phục được tiêu cực trong việc cho tại ngoại cảm tính, giảm án oan, sai” - luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) nói.

Theo LS Quynh, việc tạm giam hiện nay khá cảm tính khi quy định rằng có thể bắt tạm giam khi bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Nhiều vụ bị can phạm tội đánh bạc, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông, thuế... cũng bị bắt giam.

Nói cách khác, ranh giới giữa tạm giam và tại ngoại khá mong manh, có khi hai trường hợp giống nhau nhưng người thì được ở ngoài, người thì bị giam. Chẳng hạn một chủ doanh nghiệp bị bắt tạm giam để điều tra về tội ít nghiêm trọng như vi phạm giao thông thì nguy cơ doanh nghiệp đó bị phá sản rất lớn.

 

LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng dự thảo thông tư ở thời điểm này là cần thiết. Bởi Điều 122 BLTTHS 2015 đã cho phép đặt tiền để đảm bảo là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Luật đã quy định thì cần phải có hướng dẫn để thi hành, tránh tình trạng luật thì tiến bộ nhưng không cụ thể hóa được. Thậm chí khoản 6 điều luật này còn yêu cầu rõ cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu…

Còn theo ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao), phải có hướng dẫn sớm và kỹ thì càng dễ thực hiện. Trước đây Điều 93 BLTTHS 2003 cũng từng quy định biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Nhưng hầu như không thực hiện được trong thực tế, ngoại trừ một số người phạm tội là người nước ngoài.

Không “có cửa” cho tội tham nhũng

Cũng theo dự thảo thông tư, các trường hợp không được đặt tiền gồm bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Điều này cũng áp dụng với bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; khủng bố, đua xe trái phép.

Hay như trường hợp bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; nghiện ma túy; người chủ mưu, cầm đầu trong trường hợp phạm tội có tổ chức; người tái phạm nguy hiểm; hành vi phạm tội gây dư luận xấu trong nhân dân.

Theo LS Cao Minh Triết (Đoàn LS tỉnh Tiền Giang), quy định như trên là chặt chẽ, tránh tình trạng quan chức phạm tội nhưng dùng tiền để đổi lấy việc tại ngoại, gây bức xúc trong dư luận. Nó cũng thể hiện thái độ quyết liệt của nhà làm luật trong việc phải nghiêm khắc với loại tội liên quan đến tham nhũng. Tương tự, các tội phạm về ma túy cũng không thể cho nộp tiền bảo lĩnh dù hành vi phạm tội ít nghiêm trọng.

“Dự thảo thông tư có bổ sung thêm đối tượng được đặt tiền ngoài bị can, bị cáo còn có người thân thích của họ. Việc này phù hợp với thực tế pháp lý, tạo điều kiện cho bị can, bị cáo được đảm bảo các quyền lợi chính đáng của mình” - LS Triết nói.

 


Chú ý để tránh bị lạm dụng

Theo ThS Nguyễn Đình Thắm (nguyên giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM), cần chú ý việc đặt tiền ở giai đoạn cho phù hợp. Làm sao để việc tại ngoại không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, tránh việc thông cung làm sai lệch hồ sơ vụ án. Theo đó, nên quy định theo hướng với một số vụ án có tình tiết phức tạp thì phải kết thúc điều tra mới cho đặt tiền tại ngoại. Với những vụ án nhiều bị can, bị cáo cũng cần chú ý không nên cho tại ngoại cùng lúc nhiều người để tránh việc thông cung, phản cung đồng loạt.

Ông Đinh Văn Quế thì băn khoăn nên hướng dẫn rõ trường hợp người có nguy cơ bị tạm giam thì không được đặt tiền vì không thể biết được họ có bị tạm giam hay không mà đặt. Ngoài ra còn có trường hợp bị can đặt tiền xong rồi bỏ trốn thì chưa rõ ai chịu trách nhiệm. Do đó cần quy định biện pháp chế tài với cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng để bị can, bị cáo được đặt tiền bỏ trốn gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, thậm chí phải tạm đình chỉ. Dự thảo thông tư mới chỉ nêu trách nhiệm của người đặt tiền, người được đặt tiền mà chưa có trách nhiệm của cơ quan có quyền cho đặt tiền.


SONG NGUYỄN

Số lượt người xem: 1559    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm