Đảng và Nhà nước Việt Nam đánh giá cao vai trò to lớn của báo chí trong đời sống xã hội. Điều này đã được Đảng ta khẳng định trong các văn kiện của Đảng; được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, tạo hành lang pháp lí giúp các cơ quan báo chí thực thi nhiệm vụ và thực hiện chức năng, vai trò xã hội của mình. Mặt khác, nhân dân luôn thể hiện sự tin tưởng, kì vọng vào báo chí trong đấu tranh PCTNLP.


Báo chí tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước. Cung cấp thông tin, phản ánh những phát hiện của nhân dân, cán bộ và cũng cấp những phát hiện của báo chí; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tham gia theo dõi, phản ánh và giám sát quá trình xử lí các vụ việc tham nhũng, lãng phí được phát hiện… Về phương diện quản lý nhà nước, Luật Báo chí là văn bản pháp luật cao nhất quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí trong đời sống xã hội.


 

Không thể chống tham nhũng một cách hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ của báo chí, truyền thông 

 

Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. Hội có chức năng và vai trò tập hợp, đoàn kết hơn 23 nghìn hội viên cả nước thực hiện nhiệm vụ ở các cơ quan báo chí và trong lĩnh vực báo chí, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho báo chí cả nước. Trong lĩnh vực PCTNLP, Hội Nhà báo Việt Nam thông qua 63 HNB các tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và gần 200 chi hội trực thuộc ở Trung ương, có vai trò tập hợp đoàn kết hội viên – nhà báo tham gia sáng tạo tác phẩm báo chí đấu tranh PCTNLP, tổ chức hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí viết về lĩnh vực PCTNLP, bảo vệ hội viên nhà báo tham gia đấu tranh PCTNLP, động viên khen thưởng hội viên có thành tích, phát hiện xử lí những nhà báo – hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.


Thông qua việc phát hiện, đấu tranh PCTNLP với các vụ việc được đưa ra xét xử, báo chí tạo được lòng tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đấu tranh PCTNLP, làm trong sạch bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội. Đây là kết quả không đo đếm được, nhưng có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và chỉnh đốn Đảng, với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Báo chí đã góp phần tích cực trong việc đề cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên và người đứng đầu trong PCTNLP. Thực tế thông qua báo chí, hàng ngàn tấm gương quần chúng nhân dân và đảng viên đi đầu trong PCTNLP đã được phát hiện, nêu gương, được Đảng, Nhà nước khen thưởng, nhân dân khen ngợi. Đây là kết quả mang tính động lực tinh thần, có ý nghĩa quan trọng.


Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, thực tế vẫn còn những hạn chế, khó khăn vướng mắc đối với báo chí trong PCTNLP. Báo chí vẫn chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc tham nhũng tiêu cực, lãng phí mà nhân dân đã phát hiện, đã cung cấp thông tin. Mặt khác, trong đấu tranh PCTNLP của cơ quan báo chí nhiều khi còn thiếu chính xác, thiếu khách quan, làm khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đồng thời còn có lúc có nơi làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức… Nhiều vụ việc được báo chí phát hiện, nêu ra nhưng lại không được theo đuổi đến nơi đến chốn, làm suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí, trông cậy vào báo chí. Khó khăn đối với báo chí trong công tác này là còn thiếu một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan để cùng báo chí giải quyết các vụ việc. Đặc biệt là việc cung cấp thông tin cho báo chí về PCTNLP. Nhiều thông tin được coi là mật, nhưng báo chí không có điều kiện tiếp cận, không được biết. Thậm chí, người cung cấp thông tin cũng không đảm bảo an toàn cho báo chí. Vì vậy, đã có tình trạng nhà báo viết về PCTNLP, lấy tin chính thống minh bạch, nhưng cuối cùng lại bị xử lí theo pháp luật vì nhiều lí do khác nhau… Nhiều hội thảo, diễn đàn, các chuyên gia và nhà báo đã nêu vấn đề cần coi việc nhà báo thực thi nhiệm vụ đúng pháp luật là thi hành công vụ. Có như vậy mới xử lí nghiêm minh được và ngăn chặn được những hành vi cản trở, hành hung nhà báo hành nghề đúng pháp luật trong đấu tranh chống tham nhũng. Đây là vấn đề đang được báo chí quan tâm và lo ngại trong hành nghề.


Để phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cần có những giải pháp kịp thời, thống nhất và thiết thực. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần thống nhất một cơ chế cung cấp thông tin minh bạch, trách nhiệm, hợp lí…cho các cơ quan báo chí, tạo điều kiện cho báo chí hành nghề tham gia PCTNLP một cách thuận lợi, hiệu quả và an toàn. Có cơ chế cho báo chí theo dõi quá trình xử lí các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời cho nhân dân. Tạo hành lang pháp lí an toàn cho nhà báo viết về lĩnh vực PCTNLP. Đặc biệt cần trừng trị nghiêm khắc những hành vi cản trở, hành hung, tấn công nhà báo, phá hủy phương tiện hành nghề của nhà báo. Có các hình thức khen thưởng xứng đáng với nhà báo có thành tích viết về lĩnh vực này.


Cần phát huy vai trò giám sát, quyền tiếp cận thông tin và nâng cao năng lực của báo chí; coi báo chí như một kênh quan trọng góp phần vào việc PCTNLP có hiệu quả. Tăng cường cơ chế phối hợp báo chí chống tham nhũng, giữa Ban chỉ đạo T.Ư về PCTNLP. MTTQ Việt Nam, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ thông tin – truyền thông và Hội nhà báo Việt Nam, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan báo chí trên mặt trận đấu tranh PCTN. Chú trọng đào tạo các nhà báo và tạo điều kiện cho báo chí hoạt động hiệu quả; tăng cường kĩ năng khai thác thông tin, viết bài điều tra chính xác, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp đối với các nhà báo.


Theo quy định, khi được cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến tham nhũng thì cơ quan, tổ chức được yêu cầu không được từ chối việc cung cấp. Cơ quan báo chí, phóng viên cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đưa tin không trung thực, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân.


Báo chí có vai trò quan trọng trong PCTNLP, trong việc theo dõi, phân tích hoạt động của Nhà nước; Phản ảnh các vụ việc tham nhũng; Tạo điều kiện tranh luận công khai. Điều đó khẳng định báo chí sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ, để trả lời cho Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của báo chí, cần phải làm thế nào để việc tiếp cận thông tin được tăng cường hơn nữa và cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin. Kinh nghiệm cho thấy không thể chống tham nhũng một cách hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ của báo chí, truyền thông./.


Dương Thái