SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
3
4
0
7
0
Hoạt động ngành 09 Tháng Ba 2020 5:00:00 CH

Ngày pháp luật tháng 3/2020

 

Ngày 09 tháng 3 năm 2020, tại buổi sinh hoạt Ngày pháp luật tháng 3, Thanh tra Thành phố đã phổ biến một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Cụ thể:

1. Về khái niệm công chức (Khoản 2 Điều 4)

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện….”

(Luật mới xác định rõ cán bộ, công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm tương ứng vị trí việc làm).

2. Về phân loại đánh giá cán bộ (Điều 29)

Phân loại đánh giá cán bộ ở 04 mức sau:

- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ

- Hoàn thành nhiệm vụ

- Không hoàn thành nhiệm vụ

(Luật mới sửa đổi mức “Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực” theo quy định hiện hành bằng “Hoàn thành nhiệm vụ” .Đồng thời, Luật bổ sung nội dung “Công khai kết quả đánh giá trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác” (Quy định hiện hành không công khai, chỉ thông báo đến cán bộ được đánh giá mà thôi).

3. Về nâng ngạch công chức (Điều 44)

Khoản 2 Điều 44 quy định:

 “…2. Công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn thì được đăng ký dự thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch….”

(Luật mới bổ sung thêm hình thức xét nâng ngạch công chức thay vì chỉ có thi nâng ngạch như hiện nay.

4. Về đánh giá công chức (Điều 55 đến 58)

4.1. Bổ sung trường hợp sẽ tiến hành thực hiện đánh giá công chức, cụ thể như sau:

“Căn cứ vào yêu cầu quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quy định đánh giá công chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình”.

4.2. Phân loại công chức ở 04 mức:

a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ;

c) Hoàn thành nhiệm vụ; (thay đổi so với Luật cũ là “Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực”).

d) Không hoàn thành nhiệm vụ.

5. Về các hình thức kỷ luật đối với công chức (Điều 79)

Quy định 06 mức như hiện nay, là: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Trong đó đối với hình thức hạ bậc lương thì bổ sung “chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý”

6. Về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức (Điều 80)

6.1. Bổ sung 04 trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật

- Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;

- Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

6.2. Quy định chi tiết hơn về thời hiệu xử lý kỷ luật

- 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;

- 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại mục trên.

(so với quy định hiện nay chỉ nêu chung “Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm”)

7. Về thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức (Điều 80)

Theo quy định hiện hành: Không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.

Theo quy định mới: Không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 150 ngày.

8. Về việc xử lý cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật (Khoản 2, 3 Điều 82)

- Quy định hiện hành: Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; ….

Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc.

- Quy định mới:

+ Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;

+ Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;

Cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thôi việc

(Đối với hình thức giáng chức, cách chức, luật mới tăng thời gian không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm từ 12 tháng lên thành 24 tháng. Đồng thời xác định cán bộ, công chức không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thôi việc khi đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử (trước đây là trong thời gian bị xem xét kỷ luật).

9. Về xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu (Điều 84)

Luật mới xác định:

- Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật;

- Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 được thực hiện theo quy định của Luật này.

10. Hiệu lực thi hành

Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2020./.


Số lượt người xem: 1305    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm