SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
2
6
6
7
4
7
Hoạt động chính trị đoàn thể 21 Tháng Tám 2017 9:10:00 SA

(TTTP) Nâng chất đầu tư, sử dụng hiệu quả quỹ đất

 

 

 

SGGPThứ Hai, 21/8/2017 06:10

 

Việc nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất là vấn đề nóng được đặt ra tại buổi làm việc của đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM với Sở Kế hoạch -  Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM. 
 

 

Đất nông nghiệp chỉ đóng góp 0,58% GRDP của TPHCM                                                                                       Ảnh: CAO THĂNG

Đất nông nghiệp chỉ đóng góp 0,58% GRDP của TPHCM Ảnh: CAO THĂNG

 

 

Xác định đất đai là loại tài nguyên hữu hạn, do vậy việc nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất là vấn đề nóng được đặt ra tại buổi làm việc của đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM với Sở Kế hoạch -  Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM về công tác 7 tháng đầu năm 2017. Tại cuộc họp, nhiều vấn đề về hiệu quả đầu tư nguồn vốn được phân tính cặn kẽ để phát triển nền kinh tế hiệu quả và bền vững.
Phải minh bạch quỹ đất và đấu giá công khai
Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, hiện sở đang quản lý hơn 7.000 dự án nói chung. Trong đó, có 23 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã hoàn thành thủ tục đầu tư với tổng mức đầu tư 71.170 tỷ đồng; 130 dự án PPP với vốn đầu tư 380.947 tỷ đồng và hiện có 238 dự án đang kêu gọi đầu tư. Những dự án này sử dụng quỹ đất của nhà nước; tuy nhiên, theo nhận xét của các sở ngành thì những dự án đầu tư công - tư thường được doanh nghiệp quan tâm vì “đất ngon”. Do vậy, để minh bạch và sử dụng hiệu quả quỹ đất, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đặt ra yêu cầu, các sở ngành phải nghiên cứu giải pháp hữu hiệu nhất để giải phóng mặt bằng trước (có thể sử dụng nguồn quỹ đầu tư HFIC để bồi thường giải phóng mặt bằng), tạo ra quỹ đất sạch, công khai bán đấu giá. “Tất cả công khai hết, bán đấu giá cũng công khai, rõ ràng; có như vậy mới tránh lãng phí tài nguyên đất nước”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các ngành phải phân tích và tính toán, có giải pháp sử dụng hiệu quả quỹ đất. Bởi hiện nay theo cơ cấu sử dụng đất, TP chỉ có hơn 2.500ha đất thổ cư, trong khi còn đến 118.000ha đất nông nghiệp, nhưng đất nông nghiệp chỉ đóng góp 0,58% GRDP. Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, cũng cho rằng: “Nên tính lại hiệu quả sử dụng đất. Phải làm tốt công tác dự báo, tính toán để đầu tư, vì nếu không sẽ rơi vào thế bị động, phải xử lý tình huống”.
Thực hiện việc công khai quỹ đất sạch, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết các dự án BOT, PPP phải thẩm định giá, đấu giá đất... nhưng hình thức đấu giá theo quy định là khác nhau; vì vậy, Sở KH-ĐT sẽ nghiên cứu để hoạt động đấu giá, sử dụng đất được minh bạch và hiệu quả. Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính, sẽ đánh giá hơn 2.000 dự án đầu tư nước ngoài để cho ra con số hiệu quả cụ thể, từ đó xác định vốn đầu tư vào ngành nào là hiệu quả. 
Tính lại cơ cấu ngành 
Mục tiêu đặt ra đến cuối năm là tăng trưởng GRDP của TPHCM đạt 8,4% - 8,7%, trong khi đến nay chỉ đạt khoảng 7,8%; do vậy, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng TP còn phải nỗ lực nhiều hơn, các tháng cuối năm phải có tốc độ tăng trưởng cao đến 9% thì mới đạt được chỉ tiêu chung cả năm. Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, muốn đạt được chỉ tiêu phát triển kinh tế như trên thì phải biết được tiềm năng phát triển của từng ngành, khu vực. Chẳng hạn, cả nước khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm gần 40% (còn lại là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) nhưng cơ cấu đóng góp của doanh nghiệp tư nhân chiếm đến 60% (doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng góp 16%, phần còn lại là doanh nghiệp FDI). Về ngành, cũng cần phân tích sức đóng góp, tạo ra giá trị gia tăng lớn để tập trung đầu tư. Từ đó, lấy làm mục tiêu phấn đấu phát triển đạt 500.000 doanh nghiệp của thành phố hoạt động đúng hướng và hiệu quả.
Cụ thể, theo báo cáo, các ngành dịch vụ chủ yếu tạo ra giá trị gia tăng lớn, đóng góp đến 59% nên phải tính cụ thể từng ngành để thúc đẩy các nhóm ngành này phát triển. Đồng chí Nguyễn Thành Phong phân tích, chuỗi tạo ra giá trị mới gồm thiết kế, sản xuất (gia công, lắp ráp) và phân phối thì công đoạn thiết kế và phân phối tạo ra giá trị sản phẩm và giá trị gia tăng cao. Bởi nền sản xuất cả nước chủ yếu là gia công sản phẩm vì quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu, quản trị kém nên tham gia chuỗi giá trị toàn cầu chỉ được 21%.
Đó là lý do khi TP phát triển 500.000 doanh nghiệp thì phải đi sâu nghiên cứu, phân tích để sự phát triển đạt hiệu quả, tạo ra chất lượng tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, muốn nâng chất nền kinh tế theo hướng bền vững, phải tính toán cơ cấu ngành và quy mô doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng cụ thể, hiện nay cả nước có đến 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này chủ yếu là gia công sản phẩm.
Còn sản phẩm chủ lực của TP có lúc chiếm đến 50% giá trị xuất khẩu nhưng nay chỉ còn 18% giá trị xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, 7 tháng qua, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản - theo chủ tịch - ngành bất động sản không tạo ra nhiều giá trị mới; do vậy, cần phải xem xét cân đối hợp lý khi định hướng phát triển 500.000 doanh nghiệp. Đó là, các ngành khi tham mưu chính sách phải chú ý vấn đề thúc đẩy phát triển ngành có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động để ưu tiên phát triển. Do vậy, ông Võ Văn Hoan đề nghị, phải thành lập tổ tư vấn độc lập cho những chính sách lớn của TP, vì theo ông, hiện nay TP cũng có một số hội đồng ở các trường đại học nhưng các góp ý có tính phản biện chưa nhiều.
“Chúng ta đang bị áp lực về việc thành lập 500.000 doanh nghiệp. Nếu số lượng doanh nghiệp phát triển mà tổng nguồn lực không tăng thì cũng không có ý nghĩa. Điều quan trọng là phải tạo điều kiện thúc đẩy để người dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Đó mới là vấn đề cần quan tâm. Doanh nghiệp nào có khả năng phát triển mạnh thì tạo mọi điều kiện cho họ. Đối với các hộ kinh doanh cá thể, không quá quan trọng việc phải lên doanh nghiệp, vì việc chuyển đổi đó không có ý nghĩa bằng việc phải khảo sát xem hộ kinh doanh có gặp khó khăn gì thì giúp đỡ, hỗ trợ họ”, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, phân tích.

HÀN NI

 


Số lượt người xem: 1525    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm