Tổ chức và hoạt động thanh tra cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp được quy định cụ thể tại Thông tư số 51/2012/TT-BGDĐT ngày 18/12/2012 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, về tổ chức thanh tra nội bộ cơ sở giáo dục, đối với các trường đại học, học viện, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp có quy mô từ 10.000 học sinh, sinh viên, học viên trở lên thành lập Phòng Thanh tra. Phòng Thanh tra có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và cán bộ chuyên trách làm công tác thanh tra. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng Thanh tra do Hiệu trưởng quyết định. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Trưởng phòng thanh tra do Hiệu trưởng quyết định theo đề nghị của Trưởng phòng Thanh tra.

 

Đối với các trường đại học, học viện, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp có quy mô dưới 10.000 học sinh, sinh viên, học viên; viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ thành lập Phòng Thanh tra hoặc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác thanh tra.

 

Đối với đại học quốc gia, đại học vùng, tổ chức thanh tra được thực hiện theo mô hình thanh tra hai cấp: Thành lập Ban Thanh tra thuộc đại học quốc gia, đại học vùng; đối với trường thành viên căn cứ quy mô học sinh, sinh viên, học viên theo quy định nêu trên lập Phòng Thanh tra hoặc cử cán bộ chuyên trách làm công tác thanh tra.

 

Về vị trí, chức năng: Hoạt động thanh tra nội bộ cơ sở giáo dục của trường là hoạt động thanh tra nội bộ, giúp Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý của trường để kiến nghị biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế của trường; giúp đơn vị, tổ chức, cá nhân trong trường thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và chính sách, pháp luật liên quan; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của trường theo quy định của pháp luật.

 

Về nguyên tắc hoạt động: Hoạt động thanh tra nội bộ do Đoàn thanh tra hoặc cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ tiến hành theo quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra và chịu sự chỉ đạo của Hiệu trưởng. Hoạt động thanh tra phải tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Khi tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra phải tuân theo quy định của pháp luật về thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng, trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

 

Về nội dung tiến hành: Hoạt động thanh tra nội bộ tập trung vào năm nhóm nội dung cơ bản, đó là: Thanh tra việc thực hiện chính sách và pháp luật về giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Thanh tra việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; quy chế chuyên môn, quy chế thi cử, cấp phát văn bằng, chứng chỉ; việc thực hiện các quy định về giáo trình, bài giảng; việc quản lý tài chính, tài sản; hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; công tác tổ chức cán bộ; việc thực hiện các quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của trường. Thanh tra việc thực hiện pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của các đơn vị, tổ chức và cá nhân thuộc trường. Việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nhà trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

 

Về hình thức thực hiện: Thanh tra nội bộ được tiến hành theo hai hình thức: Thanh tra theo kế hoạch hàng năm đã được Hiệu trưởng phê duyệt và được thông báo trước cho đối tượng thanh tra, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện đơn vị, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng hoặc do Hiệu trưởng giao.

 

 

 Ảnh minh họa. Nguồn internet
 

 

Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ cơ sở GD&ĐT theo tinh thần Chỉ thị 5972/2016/CT-BGDĐT ngày 20/12/2016 của Bộ GD&ĐT về tăng cường công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, thiết nghĩ các cơ sở GD&ĐT, người đứng đầu cần quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp sau:

1. Giải pháp về nhận thức

Một là, đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục cần tổ chức tuyên truyền phổ biến đầy đủ quy định của pháp luật về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thanh tra đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc ngành, đơn vị mình nắm, hiểu để thực hiện và cộng tác trong tham gia thanh tra hoạt động thanh tra. Cần nhận thức toàn diện, thấu đáo về chức năng, nhiệm vụ, nội dung, vai trò của  công tác thanh tra trong việc tham mưu, đề xuất giải pháp để kiểm tra, chấn chỉnh, uốn nắn, hướng dẫn trong hoạt động quản lý cơ sở giáo dục, quản trị nhà trường.

Hai là, đối với đội ngũ viên chức làm công tác thanh tra tại cơ sở giáo dục cần nhận thức đầy đủ, trọn vẹn về chức trách, nhiệm vụ của thanh tra trong hoạt động quản lý cơ sở giáo dục, về nội dung, nguyên tắc, nghiệp vụ tổ chức và thực hiện hoạt động thanh tra.

Ba là, đối với viên chức và người lao động cần hiểu rõ bản chất, mục đích của thanh tra không chỉ đơn thuần là xem xét, đánh giá, đề xuất xử lý vi phạm, công tác thanh tra nội bộ tập trung chủ yếu vào việc uốn nắn, tháo gỡ, hướng dẫn khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện công tác quản lý đơn vị, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, việc thực hiện chế độ, chính sách, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng,…

2. Giải pháp về tổ chức và hoạt động

Quan tâm kiện toàn cơ cấu tổ chức và hoạt động của thanh tra nội bộ cơ sở GD&ĐT.

Một là, đối với các trường đại học, học viện, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp căn cứ quy mô học sinh, sinh viên, học viên tiến hành thành lập, kiện toàn hoạt động của Phòng Thanh tra hoặc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác thanh tra, đối với đại học quốc gia, vùng tiến hành thành lập, kiện toàn hoạt động của Ban Thanh tra.

Hai là, căn cứ quy định của pháp luật về GD&ĐT, công tác thanh tra, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy chế làm việc của cơ sở giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ chức ban hành quy chế hoạt động của Ban, Phòng, tổ chức thực hiện chức năng thanh tra nội bộ.

Ba là, chỉ đạo tổ chức, xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra nội bộ gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công tác quản lý hoạt động chuyên môn của cơ sở giáo dục. Tập trung thực hiện nội dung thanh tra toàn diện, thanh tra chuyên đề trong quản lý cơ sở giáo dục.

3. Giải pháp về nhân sự, chính sách

Bên cạnh việc kiện toàn tổ chức làm công tác thanh tra cần giải quyết tốt việc bố trí nhân sự và thực hiện chế độ chính sách đối với người làm công tác thanh tra.

Một là, bố trí viên chức có phẩm chất trung thực, khách quan, công tâm, hòa đồng có năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu, tham mưu xử lý tình huống, khả năng vận dụng quy định của pháp luật, đối chiếu, phân tích thông tin, tài liệu, nhận xét, đánh giá, báo cáo… để làm công tác thanh tra.

Hai là, thường xuyên cử đi đào tạo bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, chuyên ngành, kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết cho hoạt động thanh tra đối với đội ngũ viên chức làm công tác thanh tra nội bộ.

Ba là, trong khuôn khổ quy định của pháp luật, quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu nội bộ cần có chính sách hỗ trợ, động viên về tài chính, tinh thần cụ thể để  khuyến khích, tạo động lực cho đội ngũ viên chức làm công tác thanh tra  giúp an tâm công tác, tạo điều kiện thuận tiện, cần thiết trong việc thu hút, điều động, bố trí viên chức công tác ở các đơn vị chuyên môn khác trong và ngoài cơ sở giáo dục sang làm công tác thanh tra.

4. Giải pháp về thực hiện nội dung nghiệp vụ thanh tra

Pháp luật về thanh tra quy định, công tác thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật, vậy nên trong hoạt động thanh tra cần quan tâm thực hiện các nội dung sau:

Một là, căn cứ quy định của pháp luật, hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra hàng năm của Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở GD&ĐT, kế hoạch công tác năm học của cơ sở giáo dục, người phụ trách công tác thanh tra chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm trình người đứng đầu cơ sở giáo dục phê duyệt để tiến hành.

Hai là, nội dung kế hoạch thanh tra cần tập trung lựa chọn để thực hiện một hoặc một vài trong các nội dung như đã nêu ở trên, việc lựa chọn nội dung để xây dựng kế hoạch thanh tra căn cứ vào thực tiễn hoạt động của đơn vị, theo yêu cầu của người đứng đầu, yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và đặc thù hoạt động chuyên môn của cơ sở GD&ĐT.

Ba là, trong thực hiện hoạt động thanh tra cần tuân thủ quy trình, như: Quy trình tiến hành cuộc thanh tra, quy trình giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tiếp công dân, xử lý đơn thư…

Bốn là, đối với kết luận thanh tra, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cần công bố công khai để tổ chức cá nhân trực tiếp và liên quan được biết để nghiêm túc thực hiện, cần đánh giá kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra đối với đơn vị, cá nhân liên quan./.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội khóa XII (2010), Luật Thanh tra.

2. Chính phủ (2013), Nghị định số 42/2013/NĐ-CPNQ-CP ngày 9/4/2013 về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục.

3. Bộ GD&ĐT (2012), Thông tư số 51/2012/TT-BGDĐT ngày 18/12/2012 quy định tổ chức và hoạt động Thanh tra cơ sở giáo dục đại học,trung cấp chuyên nghiệp.

4. Bộ GD&ĐT (2013), Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT ngày 4/12/2013 hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục.

5. Bộ GD&ĐT (2016), Chỉ thị 5792/2016/CT-BGDĐT ngày 20/10/2016 về tăng cường công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.

6. Bộ GD&ĐT (2016), Báo cáo đổi mới công tác thanh tra , đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục  tại hội nghị thanh tra giáo dục,  toàn quốc ngày 19/12/2016.

 

 

 

 

Ths. Phạm Công Hiệp

 

 

Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh