SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
2
6
4
6
5
7
Giải quyết khiếu nại tố cáo 11 Tháng Tám 2017 1:05:00 CH

(TTTP) 'Vào vai' dân để giải quyết khiếu nại

 

Trong việc xử lý những vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy đã trực tiếp “vào vai” người đi kiện để phản biện các lý lẽ của những thuộc cấp, nhằm tìm ra quyết định giải quyết phù hợp, chấm dứt nhiều vụ việc kéo dài trong thời gian qua.


'Vao vai' dan de giai quyet khieu nai - Anh 1


Phiên tòa giả định

Theo lịch tiếp công dân, vào một ngày đầu tháng 8-2017, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy sẽ đối thoại với một số hộ dân có đất bị thu hồi (một phần) để thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Lê Văn Việt. Hiện nay, dự án nâng cấp, mở rộng đường đã hoàn tất nhưng một vài hộ vẫn còn khiếu nại về cách tính bồi thường. Quận 9 đã giải quyết nhưng người dân vẫn chưa đồng tình, nên UBND TPHCM phải lập một liên ngành để xử lý.

 

Trước khi vào buổi tiếp công dân, tại một phòng họp của UBND quận 9 đã diễn ra phiên tòa giả định. Trong đó, ông Trần Văn Bảy vào vai người dân đi kiện (khiếu nại). Bên “bị kiện” là lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, Công ty Dịch vụ công ích quận 9… Lúc này, bên “bị kiện” khẳng định phần đất của người “đi kiện” còn lại cộng với phần đất giải tỏa (quận đã bồi thường) là trùng khớp với tổng diện tích đất được Nhà nước bán (theo Nghị định 61 về bán nhà thuộc sở hữu nhà nước) cho người dân. Vì vậy, quận làm đúng. Tuy nhiên, từ các hồ sơ, đơn từ của người dân cung cấp (ông Bảy đã đến hiện trường nhà dân), người “đi kiện” chứng minh được, trên thực tế tổng diện tích người dân sử dụng lớn hơn diện tích mà bên “bị kiện” đưa ra. Nguyên nhân có thể là do việc đo đạc trước đây chưa chính xác. Dù vậy, người dân đã sử dụng phần diện tích đất ngoài sổ sách này liên tục, ổn định từ năm 1980 cho đến khi bị thu hồi.

 

Lật phương án bồi thường và viện dẫn thêm một số quy định pháp luật, người “đi kiện” cho rằng phần diện tích đất thừa này, dù là đất công, cũng phải được tính đến. Bên “bị kiện” đuối lý. Đến phần tiếp công dân, kết quả từ phiên tòa giả định được chia sẻ với người khiếu nại. Lúc này, ông Trần Văn Bảy nêu quan điểm: “Quận sẽ báo cáo cho tổ liên ngành của TP về việc người dân sử dụng phần đất này hợp lệ, hợp pháp từ trước năm 1980, để tổ tham mưu cho UBND TP xem xét, quyết định. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án, khu vực đã khang trang hơn, trị giá nhà đất tăng lên; đồng thời, tính trên diện tích đất theo sổ sách thì người dân không bị thiệt thòi gì cả. Vì vậy, trên cơ sở hài hòa lợi ích của người dân và Nhà nước thì rất mong được người dân thông cảm và chia sẻ”.


Được biết, đây là một vụ khiếu nại kéo dài và thậm chí có lúc một số cán bộ, chuyên viên của quận 9 e ngại tiếp người khiếu nại. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, buổi tiếp công dân diễn ra nhanh gọn và không có sự tranh cãi căng thẳng hay các thái độ quá khích từ các bên.

 

Mở rộng đối thoại, tăng tính phản biện

 

Việc tổ chức các phiên tòa giả định như trên là một cách làm mới, đang được UBND quận áp dụng thử nghiệm. Bước đầu đã mang lại một số kết quả nhất định. Theo đó, đối với một số vụ việc phức tạp thì trước khi tiếp người dân, quận sẽ tổ chức một phiên tòa giả định mang tính chất nội bộ. Trong đó, quận phân vai người đóng vai bên khởi kiện, người đóng vai bên đi kiện để thấy hết lý lẽ của hai bên. Thường trực Quận ủy, Thường trực HĐND, UBND quận sẽ nghe và có chỉ đạo trước khi buổi tiếp công dân chính thức diễn ra.

 

“Quận 9 là một địa bàn ở TPHCM đang thực hiện hàng loạt dự án có thu hồi đất của dân. Nhiều dự án kéo dài, trong khi pháp luật đất đai qua nhiều giai đoạn không ổn định, thường xuyên sửa đổi, bổ sung, dẫn đến chính sách bồi thường, hỗ trợ thay đổi, khiến một số người dân có đất bị thu hồi không đồng ý với phương án bồi thường và khiếu nại, tố cáo gia tăng”, ông Trần Văn Bảy nhận xét. Ngoài việc tổ chức phiên tòa giả định, quận 9 còn thực hiện một số biện pháp khác, như nghiên cứu kỹ nhân thân của người chuẩn bị đối thoại. Nếu họ là đoàn viên, hội viên của các hội, đoàn thì quận sẽ mời lãnh đạo các đơn vị này cùng tham gia buổi đối thoại để giám sát, phản biện nhằm bảo vệ quyền lợi cho hội viên, đoàn viên của họ. Cũng đối với các vụ việc phức tạp, trước khi tiếp công dân, quận tổ chức đến tận nơi xảy ra khiếu nại để nắm bắt thực tế. Khi đó, người khiếu nại, tố cáo cũng cảm thấy chính quyền tôn trọng, chia sẻ với bức xúc của họ, nên khi đối thoại sẽ giảm bớt được căng thẳng.

 

Khi cán bộ bối rối…

 

Trong một phiên tòa giả định khác, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy vào vai một người dân tố cáo lãnh đạo của một phường chậm giải quyết việc xác nhận tình trạng đất để người dân làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận. Cụ thể, năm 2014, người dân này đề nghị xin cấp giấy thì có đơn ngăn chặn, cho rằng diện tích xin cấp giấy chứng nhận có một phần trùng lên đất của người khác. Phường “ngâm” hồ sơ xác nhận, đến năm 2016 mới có văn bản trả lời người dân làm thủ tục xin cấp giấy.

 

Tại “phiên tòa”, vị phó chủ tịch phường bị tố cáo tỏ vẻ bối rối trước các lập luận, căn cứ của “người dân”. Cuối cùng, ông Trần Văn Bảy nhận định: “Các lý lẽ, căn cứ pháp lý, tôi chỉ đọc từ đơn tố cáo của người dân thôi. Anh về tự xem kỹ lại hồ sơ, nếu nhận thấy có thiếu sót trong việc xử lý đơn thì tự xử trước dân. Điều quan trọng là phải thẳng thắn, chính quyền sai thì phải nhận lỗi ngay, nếu cứ lấp liếm thì nguy cơ chuyện bé xé ra to, từ sai nhỏ dẫn đến sai lớn”.

 

KIỀU PHONG

 


Số lượt người xem: 1952    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm