SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
3
6
6
6
4
Giải quyết khiếu nại tố cáo 27 Tháng Mười 2016 1:35:00 CH

(TTTP) Phân tích làm rõ 11 vấn đề bất cập của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo

Cập nhật: 27/10/2016 13:26

(Thanh tra.com.vn) - Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh tại Hội nghị Tổng kết 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, do Thanh tra TP Hải Phòng tổ chức ngày 26/10.

Trong 4 năm qua, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đáp ứng kịp thời, giải quyết những vướng mắc thực tế phát sinh, là cơ sở để các ban, ngành triển khai.

Từ năm 2012 đến nay, toàn thành phố đã tiếp 21.520 lượt với 32.758 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra TP gặp những hạn chế bất cập như: Về thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính, hành vi hành chính tại Điều 9 Luật Khiếu nại. Trong khi đó Điều 104 Luật Tố tụng hành chính quy định thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính là 1 năm; về quyền của người khiếu nại tại Điểm d, Khoản 1, Điều 12 Luật Khiếu nại quy định chưa cụ thể cung cấp sao chụp, tài liệu trong thời gian giải quyết hay sau khi ban hành quyết định giải quyết; về đình chỉ giải quyết khiếu nại trong Luật Khiếu nại chỉ quy định duy nhất trường hợp đình chỉ việc giải quyết khiếu nại khi người khiếu nại có đơn rút. Những điều này đã gây khó khăn cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và thi hành các quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Ông Trần Văn Quý, Chủ tịch UBND quận Kiến An chia sẻ những kinh nghiệm trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo phức tạp tồn đọng trong quận. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn quận có một số vụ việc khi người tố cáo nhận quyết định giải quyết đơn, thấy không thỏa mãn đã quay sang tố cáo người giải quyết đơn về trình tự, thời gian, thời hạn giải quyết, thậm trí tố cáo cả cơ quan điều tra. Có đơn tố cáo được quận giải quyết, TP giải quyết đến Bộ giải quyết đến nay vẫn tái khiếu, tái tố. Thậm chí có đơn tố cáo cả người ban hành quyết định, Chủ tịch UBND quận đã từng bị tố cáo 2 lần về việc UBND quận không chấp hành giải quyết đơn đã được UBND TP giải quyết bác đơn tố cáo của công dân. 

Tuy nhiên, trên địa bàn quận cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét rút kinh nghiệm chung về công tác tiếp dân. Qua kiểm tra cho thấy người đứng đầu trên địa bàn phường chưa thực hiện đúng Luật Tiếp công dân, nhiều đơn phản ánh kiến nghị, không chịu lắng nghe, tiếp thu xử lý kịp thời. Một số cán bộ hiểu biết pháp luật hạn chế nên khi tiếp công dân giải thích chưa đúng đã gây bức xúc cho công dân. Ở một số nơi còn tình trạng đùn đẩy, né tránh hoặc giải quyết vòng vo báo cáo xin ý kiến cấp trên hoặc đẩy sang tòa án trong việc giải quyết tranh chấp đất đai. 

Một số cấp ủy chính quyền cơ sở chủ quan, cá biệt có nơi quan liêu nội bộ mất đoàn kết, thiếu công khai và công bằng, ngại va trạm, tiếp xúc với người kiến nghị trong vấn đề giải quyết đã làm cho công tác tiếp công dân không đạt được hiệu quả.

Qua các sự việc trên, quận đã rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tiếp công dân là phải tập trung giải quyết ngay tại cơ sở, phải chọn cán bộ có trình độ chuyên môn vững vàng, am hiểu pháp luật, có đạo đức trong sáng, giám làm không né tránh đùn đẩy trách  nhiệm cho cơ quan khác. 

 

Qua báo cáo và các ý kiến tham luận, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh nhận thấy khi Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại có hiệu lực, UBND TP Hải Phòng với sự tham mưu của thanh tra TP cùng các sở, ngành đã có nhiều giải pháp, triển khai đưa pháp luật vào cuộc sống; hướng dẫn các cấp, các ngành chủ động tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, nhất là những người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; triển khai tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân chỉ sau 4 năm đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần ổn định an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo tại TP Hải Phòng vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó tuyên truyền chưa sâu rộng, tỷ lệ người tố cáo vẫn còn cao. Việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa dứt điểm làm cho công dân bức xúc khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Trên cơ sở hội nghị tổng kết và các tham luận của các sở, ngành; Phó Tổng Thanh tra đề nghị Thanh tra TP Hải Phòng tiếp tục bổ sung hoàn thiện báo cáo tổng kết, tập trung phân tích làm rõ 11 vấn đề bất cập của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011, để Thanh tra Chính phủ tổng hợp, làm báo cáo, kiến nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung.

Kim Thành

 


Số lượt người xem: 1885    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm