SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
5
3
8
5
7
Cải cách hành chính 15 Tháng Hai 2022 2:20:00 CH

Đổi mới hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Thanh tra Thành phố trong giai đoạn hiện nay

 

        Tuyền truyền, phổ biến về pháp luật phòng, chống tham nhũng là một trong những kênh cần triển khai thực hiện trong cải cách hành chính để góp phần quán triệt đến cán bộ, công chức chỉ số PAPI – chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam nói chung, nhất là về các nội dung chính như: sự công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.

          Bên cạnh đó, để triển khai phù hợp Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021” trên địa bàn thành phố, đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ đã nghiên cứu, tìm tòi để thực hiện cách thức tuyên truyền sao cho hay, hài hòa, hiệu quả, có tính mới đối với pháp luật phòng, chống tham nhũng, nhất là phù hợp với điều kiện bình thường mới trong điều kiện thích ứng, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

          Công chức Văn phòng phụ trách hoạt động tuyên truyền đã xem xét các hình thức được tổ chức trước đây như: tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền; lồng ghép trong sinh hoạt chào cờ hàng tuần, chương trình ngày Pháp luật hàng tháng; đăng tin, bài viết trên Trang thông tin điện tử của Thanh tra Thành phố; phối hợp, hỗ trợ cử báo cáo viên pháp luật theo yêu cầu của các sở - ngành, quận - huyện… Mỗi một hình thức tuyên truyền, phổ biến sẽ có những ưu điểm và hạn chế khác nhau. Tuy nhiên, các hình thức này được thực hiện thường xuyên, lặp lại liên tục dẫn đến dễ gây nhàm chán, chỉ thu hút được một số nhóm đối tượng nhất định.

          Do vậy, nhằm đạt mục tiêu phổ biến các nội dung phòng, chống tham nhũng gắn với việc đa dạng hóa các hình thức triển khai, cách thức triển khai và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng để đạt hiệu quả cao, thu hút được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Nhân dân, Thanh tra Thành phố tổ chức Hội thi “Tìm hiểu quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng” năm 2021 với 02 phần thi gồm Phần thi trực tuyến và Phần thi tập thể.

          Nội dung sáng kiến:

          Phần thi trực tuyến được tổ chức với tên gọi Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng” năm 2021 trên website: http://hoithiphongchongthamnhung.com. Đối tượng tham gia cuộc thi trực tuyến là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hội viên, thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (trừ thành viên Ban Tổ chức, Tổ giúp việc).

Cuộc thi trực tuyến diễn ra trong thời gian từ ngày 25/10/2021 đến ngày 05/12/2021, được tổ chức theo hình thức thi trắc nghiệm và trả lời câu hỏi (viết bằng tiếng Việt). Có 06 kỳ thi, đề thi mỗi kỳ gồm 05 câu hỏi trắc nghiệm và 01 câu hỏi tự luận ngắn.

Đối với 05 câu hỏi trắc nghiệm, người dự thi chọn một trong các đáp án chính xác nhất trong các đáp án đưa ra cho mỗi câu hỏi. Hệ thống câu hỏi được xây dựng dễ hiểu, dễ tiếp cận vấn đề, với các nội dung cơ bản tập trung trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tham nhũng; Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

          Đối với 01 câu hỏi tự luận, người dự thi trả lời tối đa 200 chữ. Câu hỏi được xây dựng có nội dung gắn với việc vận dụng các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong thực tiễn; những vấn đề, những sự kiện được dư luận xã hội quan tâm liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng…

          Mỗi câu trắc nghiệm trả lời đúng được tính 04 điểm; câu hỏi tự luận được chấm trên thang điểm 10. Kết quả cá nhân căn cứ theo các thứ tự ưu tiên như: tổng điểm đạt được; thời gian gửi bài dự thi. Kết quả tập thể căn cứ theo các thứ tự ưu tiên như: số lượng bài tham gia, số lượng bài đạt giải.

          Mỗi kỳ thi là 07 ngày, cuộc thi sẽ bắt đầu vào ngày thứ Hai hằng tuần và kết thúc vào 23 giờ của ngày chủ Nhật trong tuần của mỗi kỳ thi. Công bố kết quả mỗi kỳ vào ngày thứ Sáu (tuần kế tiếp) sau khi kết thúc mỗi kỳ thi.

          Kết quả sau khi triển khai phần thi trực tuyến

Cuộc thi được triển khai trên phạm vi toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 06 kỳ thi đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các thí sinh, tạo ra không khí hào hứng, sôi nổi tham gia cuộc thi tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Kết quả quả 06 kỳ triển khai đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các thí sinh, cuộc thi đã ghi nhận được 37.008 lượt đăng ký với 83.771 lượt dự thi. Phần thi tập thể đã nhận được 72 video clip dự thi của khối sở-ban-ngành Thành phố, khối quận - huyện, khối xã, phường, thị trấn và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Thanh tra Thành phố và 45 video clip dự thi của các trường tiểu học, trường trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố và Bệnh viện Hùng Vương.

 Lời kết: Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu để tham gia, cuộc thi đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và Nhân dân nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đối tượng dự thi, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đối với đội ngũ công chức, bên cạnh việc tìm hiểu được thêm các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Hội thi còn giúp đối tượng này còn hiểu thêm kiến thức về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (chỉ số PAPI).

            Cuộc thi không chỉ tạo điều kiện để quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng đến với nhiều đối tượng, tầng lớp mà còn tạo điều kiện để Thanh tra Thành phố, cơ quan tham mưu quàn lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của người dân, học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức về công tác phòng, chống tham nhũng, về đánh giá đối với cơ quan Thanh tra Thành phố cũng như trách nhiệm của mỗi người trong công tác phòng, chống tham nhũng để từ đó sẽ tham mưu, đề xuất những giải pháp phù hợp khả thi trong công tác này./.


Số lượt người xem: 751    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm