SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
5
0
3
9
6
Phòng chống tham nhũng 19 Tháng Bảy 2016 1:50:00 CH

(TTTP) Xây dựng hành lang pháp lý toàn diện, đủ mạnh để phòng, chống tham nhũng

 

Cập nhật: 19/07/2016 09:55           

(Thanh tra)- Đây là chủ đề chính tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi do Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), tổ chức ngày 18/7/2016 tại TP Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh.

 

Xây dựng hành lang pháp lý toàn diện, đủ mạnh để phòng, chống tham nhũng

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh chủ trì Hội thảo. Ảnh: NG

Tham gia Hội thảo có đại diện một số cục, vụ của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, các thành viên Ban soạn thảo, các cơ quan chức năng khối nội chính của 14 tỉnh, thành khu vưc phía Nam, cùng đại diện một số tổ chức, doanh nghiệp.

Sửa đổi để theo kịp thực tiễn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định: Quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng Dự thảo là dựa trên quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về PCTN và kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN hiện hành. Việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và tác động đến sự ổn định, phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách có liên quan của Đảng, Nhà nước về công tác PCTN, đặc biệt là các giải pháp đề ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X); Kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và các kết luận, chỉ thị của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Bộ Chính trị (khóa XI) và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, chủ trương và mục đích sửa đổi toàn diện Luật PCTN nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng; sửa đổi, bổ sung những quy định mà qua thực tiễn công tác PCTN cho thấy việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả; lựa chọn các vấn đề sửa đổi, bổ sung có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo bước chuyển thực chất trong công tác PCTN. Đồng thời, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Luật PCTN (sửa đổi) với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật khác liên quan, bảo đảm tính khả thi của Luật; tiếp tục có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao mức độ tuân thủ các yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng.

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ Nguyễn Tuấn Anh giới thiệu các nội dung cơ bản tại dự thảo Luật PCTN (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật gồm 10 Chương với 118 điều; bổ sung đối tượng là “Người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý trong một số tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước”; cơ bản giữ nguyên 12 hành vi tham nhũng như quy định hiện hành, tuy nhiên có rà soát và điều chỉnh một số hành vi cho phù hợp. Dự thảo đã tách nhóm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập thành một chương riêng với tên gọi “Minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập” với nhiều quy định mới, có tính đột phá nhằm mục đích kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số đối tượng có chức vụ, quyền hạn khác. Đồng thời, quy định rõ việc kê khai, quản lý bản kê khai, theo dõi biến động, xác minh, xử lý vi phạm về minh bạch tài sản, thu nhập và xử lý tài sản, thu nhập không minh bạch. Bổ sung, chỉnh sửa nhiều quy định mới về công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, mô hình cơ quan, tổ chức PCTN, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của xã hội…

Ngoài ra, các đại biểu cũng được giải thích rõ về quy định được nhận quà có tính chất lưu niệm dưới 2 triệu, về việc không kê khai tài sản hàng năm mà chú ý kê khai đầu vào khi tuyển dụng công chức hoặc trước khi bổ nhiệm để có cơ sở làm rõ tài sản phát sinh có minh bạch hay không, cơ chế xử lý tham nhũng vặt hay nhũng nhiễu đang được Bộ Chính trị chỉ đạo xử lý nghiêm…

 

Cơ chế độc lập, đủ mạnh

Các ý kiến của đại biểu tại Hội thảo cơ bản đồng tình, đánh giá cao các quy định mới tại Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi); đồng thời, bổ sung, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất về phạm vi áp dụng, việc xử lý tài sản kê khai không minh bạch, vai trò của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong PCTN, cơ cấu tổ chức của cơ quan PCTN trong trường hợp phát hiện dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, cũng như chủ trì khi xử lý các vụ việc tham nhũng liên quan đến cán bộ quản lý. Đặc biệt, một số đại biểu đã cảnh báo về độ vênh của quy định của Bộ Nội vụ về biên chế của Thanh tra địa phương đối với khối lượng công việc, trong đó có thêm nhiệm vụ PCTN theo Dự thảo trong thời gian tới.

Đánh giá cao nội dung Hội thảo, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Bùi Văn Quang cho rằng: Ban soạn thảo đã đầu tư nhiều công sức để có một dự thảo quy định PCTN rất công phu với các quy định đầy đủ, rõ ràng. Đối với việc đối tượng không giải trình về tài sản phát sinh đúng quy định thì cần có quy định chuyển cơ quan điều tra để làm rõ nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Ngoài ra, cần thể chế hóa trong Dự thảo về thành lập Ban Nội chính tại các địa phương do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban để nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về PCTN.

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang Trần Minh Thể cho rằng cần quy định rõ về tổ chức họp báo về thông tin tham nhũng trong Dự thảo để thuận lợi cho địa phương khi vận dụng, cũng như cần làm rõ khái niệm đo lường tham nhũng, quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong quy định định mức chi tiêu trong cơ quan, tổ chức.

Đi sâu phân tích về cơ chế bảo vệ người tố cáo, ông Trần Thanh Hải - Ban Nội chính Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng, nhiều công dân, công chức muốn tố cáo hành vi tham nhũng nhưng vẫn còn ngần ngại vì sợ bị đe dọa, trả thù, trù dập. Do đó, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm quy định hoặc làm rõ hơn về quy định cơ quan chức năng phải bảo vệ người tố cáo tham nhũng vì hiện nay có nhiều nội dung đơn tố cáo tham nhũng có cơ sở nhưng công dân không dám ký tên.

Đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương đề xuất cần quy định chi tiết hơn về người có quyền hạn trên cơ sở đối chiếu với Công ước của Liên hiệp quốc để thuận lợi trong xác định chủ thể có hành vi tham nhũng. Để bảo đảm mục tiêu PCTN theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cần có thêm nhiều hội thảo sâu hơn nhằm bàn phương án thành lập cơ quan độc lập để tạo sự đột phá trong công tác này vì tham nhũng rất phức tạp, có nhiều đặc thù trong điều kiện mỗi cơ quan hiện tại đang gặp những bất cập trong thực hiện pháp luật trong PCTN. Nên chăng cần mở rộng quyền tiếp cận của công dân tại nơi cư trú của cán bộ phụ trách các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng để cộng đồng giám sát.

 

Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy tỉnh Long An Nguyễn Văn Ngài nói thẳng về sự thiếu gắn kết giữa các cơ quan trong điều kiện pháp luật chưa làm rõ được vai trò của Ban Nội chính, Thanh tra… trong điều kiện thực tiễn PCTN tại địa phương. Nhu cầu bức thiết là phải có một cơ quan đủ mạnh, đủ quyền lực để PCTN một cách thực chất. Đơn cử ngay tại Long An, từ khi Ban Nội chính được thành lập thì khoản tiền thưởng cho công dân báo tin PCTN mới chỉ có 2 triệu đồng, trong khi đó Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị về cơ chế báo cáo vụ việc, vụ án đang bó buộc một số trường hợp có dấu hiệu tham nhũng khi công chức lợi dụng kê khai để hợp thức hóa tài sản không minh bạch. Do đó, Ban soạn thảo cần chú ý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn để bổ sung trong Dự thảo giống như quy định Thanh tra, Kiểm toán phải chuyển sang cơ quan điều tra khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng.

Kết luận Hội thảo, thay mặt Ban soạn thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã cám ơn các ý kiến đóng góp về nhiều nội dung liên quan đến Dự thảo Luật PCTN sửa đổi. Trên sở tổng hợp nội dung của Hội nghị, Tổ soạn thảo sẽ tổng hợp để bổ sung các quy định của Dự thảo trình Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch xây dựng pháp luật, Dự thảo Luật PCTN sửa đổi sẽ được trình xin ý kiến Chính phủ, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2016. Sau đó, Dự thảo sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV (khoảng tháng 10/2016).

Ngọc Giang


Số lượt người xem: 2111    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm