SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
3
0
9
0
7
Tin tức sự kiện 24 Tháng Mười Một 2016 9:05:00 SA

(TTTP) Giảm gánh nặng cho thanh tra mà vẫn hiệu quả

                          

Cập nhật: 22/11/2016 06:21

(Thanh tra)- Để mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội tiến tới đạt được sự minh bạch và công bằng thì hoạt động thanh tra luôn luôn đóng vai trò quan trọng. Nhiệm vụ thanh tra nặng nề và là công việc hết sức nhạy cảm. Do vậy, toàn dân phải tham gia vào hoạt động giám sát, phản biện để phát hiện kịp thời ngăn chặn cái sai, cái xấu. Và như vậy mới giảm được gánh nặng cho thanh tra.

 

Giảm gánh nặng cho thanh tra mà vẫn hiệu quả

Ảnh minh họa: xaydungdang.org.vn

Thời gian qua, tổ chức, địa phương nào có hoạt động giám sát tốt của quần chúng thì đơn vị đó ít xảy ra tham nhũng và sai phạm.

Giám sát là việc theo dõi, xem xét, phát hiện, đánh giá và kiến nghị đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện một công việc cụ thể đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh và quốc phòng. Phản biện xã hội là nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị về giải pháp cho một vụ việc nhỏ đến các dự án lớn…

Trước đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội, nhưng hiệu quả chưa cao. Do vậy, ngày 12/12/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội.

Giám sát góp phần thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng; kịp thời phát hiện những sai sót, yếu kém để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; phát hiện những nhân tố mới, những mặt tích cực để kịp thời nhân rộng, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Phản biện xã hội nhằm phát hiện những phần còn thiếu, chưa phù hợp với các quy định của pháp luật và hoàn cảnh thực tế. Từ đó kiến nghị bổ sung, sửa đổi những nội dung thiết thực, nêu giải pháp đúng để đạt kết quả tốt cho công việc.

Thời gian qua, giám sát và phản biện xã hội là hoạt động phức tạp, chịu tác động nhiều chiều. Đến thời điểm này, chúng ta cảm nhận được luồng gió mới đang dần thay đổi bầu không khí thực tại, đó là tại Kỳ họp thứ II, Quốc hội khóa XIV, những lĩnh vực nóng, nhạy cảm được toàn dân quan tâm và chờ đợi giải pháp “hạ nhiệt” có hiệu quả.

Từ giám sát và phản biện thời gian qua, một số chuyên gia đã đúc rút: Để hoạt động này đạt kết quả, trước hết phải phân công cụ thể, có cơ quan, đội ngũ trực tiếp tổ chức thực hiện, tránh tình trạng gặp khó thì mọi người lẩn tránh hoặc e ngại đụng chạm. Tổ chức nào, cấp nào, người nào trực tiếp giám sát và phản biện xã hội, tránh phân công chung chung dẫn đến trùng lặp công việc, nhưng cũng có những việc không có tổ chức, cá nhân nào thực hiện. Thứ hai, là phải có kế hoạch dài hạn và từng giai đoạn, nên lựa chọn những vụ việc nóng trong đời sống, những vấn đề bức xúc mà nhân dân đang quan tâm. Thứ ba, đội ngũ cán bộ được phân công giám sát và phản biện phải có bản lĩnh, có trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hiện, dám đương đầu và dám chịu trách nhiệm. Trong cộng đồng khu dân cư cần phát huy vai trò ban giám sát cộng đồng, ban thanh tra nhân dân, đặc biệt động viên khích lệ những người có uy tín, có kinh nghiệm, có tri thức am hiểu vấn đề tham gia giám sát và phản biện.

Làm được như vậy thì sẽ giảm thiểu được khối lượng đồ sộ đơn thư tố cáo và khiếu nại như hiện nay, đồng thời gánh nặng của ngành Thanh tra cũng được giảm bớt đi nhiều.

Thế Lữ


Số lượt người xem: 1800    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm