SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
3
5
6
8
3
Tin tức sự kiện 13 Tháng Ba 2015 9:25:00 SA

(TTTP) Đề cương giới thiệu Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra

 

 

            Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2014.

Từ khi Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn dưới luật được ban hành, trong đó Thông tư số 05/2014/TT-TTCP được ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết phải có một văn bản quy phạm pháp luật quy định chung về tổ chức, hoạt độn, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra cũng như có hệ thống biểu mẫu thống nhất trong cả nước về hoạt động này.

            Phòng Pháp chế phối hợp với Chi hội Luật gia Thanh tra thành phố giới thiệu một số nội dung cơ bản của Thông tư trên như sau:

I. Bố cục

Thông tư bao gồm 04 chương 40 điều và 35 biểu mẫu , bao gồm:

Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 6): quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc tổ chức Đoàn thanh tra, tiến hành một cuộc thanh tra; địa điểm, thời gian làm việc của Đoàn thanh tra; nhật ký Đoàn thanh tra; cấp lại, cấp bổ sung Sổ nhật ký đoàn thanh tra.

Chương II. Tổ chức, quan hệ công tác của đoàn thanh tra (từ Điều 7 đến Điều 15): quy định về tổ chức Đoàn thanh tra; tiêu chuẩn của Trưởng đoàn thanh tra; lựa chọn người tham gia Đoàn thanh tra; thay đổi Trưởng đoàn thanh tra; thay đổi, bổ sung thành viên đoàn thanh tra; quan hệ giữa Đoàn thanh tra với người ra quyết định thanh tra, giữa trưởng đoàn với thành viên đoàn, giữa các thành viên đoàn, giữa trưởng đoàn, thành viên đoàn với Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp, với người giám sát, người được giao thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

Chương III. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra (từ Điều 16 đến Điều 39), gồm 3 mục:

            Mục 1. Chuẩn bị thanh tra: quy định về thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình để ban hành quyết định thanh tra; ra quyết định thanh tra; xây dựng, phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra; phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra; xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; thông báo về việc công bố quyết định thanh tra.

            Mục 2. Tiến hành thanh tra: gồm công bố quyết định thanh tra; thu thập thông tin tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; thủ tục thực hiện quyền trong quá trình thanh tra; xử lý sai phạm được phát hiện khi tiến hành thanh tra; báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ thanh tra; việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra; kéo dài thời gian thanh tra; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra; kết thúc việc tiến hành thanh tra tại nơi được thanh tra.

                        Mục 3. Kết thúc thanh tra: gồm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn thanh tra; báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra; xem xét báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra; xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra; ký và ban hành kết luận thanh tra; công khai kết luận thanh tra; tổng kết hoạt động của Đoàn thanh tra; lập, bàn giao, quản lý, sử dụng hồ sơ thanh tra.

            Chương IV. Điều khoản thi hành (Điều 40)

            Cùng các mẫu biểu là:

Mẫu 01. Quyết định về việc thay đổi Trưởng đoàn thanh tra

            Mẫu 02. Quyết định về việc thay đổi thành viên đoàn thanh tra

            Mẫu 03. Quyết định về việc bổ sung thành viên đoàn thanh tra

            Mẫu 04. Quyết định về việc thanh tra

            Mẫu 05. Kế hoạch tiến hành thanh tra

            Mẫu 06. Biên bản công bố Quyết định thanh tra

            Mẫu 07. Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu

            Mẫu 08. Biên bản giao nhận thông tin, tài liệu

            Mẫu 09. Giấy mời

            Mẫu 10. Văn bản yêu cầu đơn vị báo cáo

            Mẫu 11. Biên bản kiểm tra, xác minh

            Mẫu 12. Biên bản làm việc

            Mẫu 13. Quyết định về việc niêm phong tài liệu

            Mẫu 14. Quyết định về việc mở niêm phong tài liệu

            Mẫu 15. Biên bản niêm phong tài liệu

            Mẫu 16. Biên bản mở niêm phong tài liệu

Mẫu 17. Quyết định về việc kiểm kê tài sản

Mẫu 18. Quyết định về việc hủy bỏ quyết định

Mẫu 19. Quyết định về việc trưng cầu giám định

Mẫu 20. Văn bản trưng cầu giám định

Mẫu 21. Quyết định tạm đình chỉ

Mẫu 22. Văn bản kiến nghị tạm đình chỉ thi hành quyết định

Mẫu 23. Quyết định tạm giữ

Mẫu 24. Văn bản đề nghị tạm giữ

Mẫu 25. Quyết định về việc thu hồi tiền

Mẫu 26. Quyết định về việc thu hồi tài sản

Mẫu 27. Kiến nghị tạm đình chỉ thi hành quyết định

Mẫu 28. Kiến nghị tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức

Mẫu 29. Quyết định gia hạn thời gian thanh tra

Mẫu 30. Văn bản chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra

Mẫu 31. Biên bản bàn giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra

Mẫu 32. Văn bản thông báo kết thúc thanh tra tại nơi được thanh tra

Mẫu 33. Báo cáo kết quả thanh tra

Mẫu 34. Kết luận thanh tra

Mẫu 35. Biên bản bàn giao hồ sơ thanh tra cho đơn vị lưu trữ

II. Một số nội dung mới

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Thông tư quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra. Đối tượng được áp dụng là Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Nguyên tắc tổ chức Đoàn thanh tra, tiến hành một cuộc thanh tra

Thông tư quy định bổ sung điểm mới so với Quyết định số 2151/2006/QĐ-TTCP ngày 10 tháng 11 năm 2006 của Tổng Thanh tra ban hành Quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra: “Việc thành lập Đoàn thanh tra phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung, phạm vi cuộc thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành hoạt động của Đoàn thanh tra; chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra, trước pháp luật về kết quả cuộc thanh tra. Thành viên Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra; chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra và trước pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra phải thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát theo quy định”.

3. Nhật ký Đoàn thanh tra

            Khoản 2 Điều 5 quy định nội dung mới so với Khoản 2 Điều 1 Quyết định số  2894/2008/QĐ-TTCP: “Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm ghi nhật ký và ký xác nhận nội dung đã ghi. Trường hợp Đoàn thanh tra được tổ chức thành các tổ, ngoài việc ghi nhật ký của Trưởng đoàn thanh tra, Tổ trưởng có trách nhiệm ghi nhật ký hoạt động của từng thành viên trong tổ và ký xác nhận nội dung đã ghi. Nội dung ghi hoạt động của từng thành viên trong tổ là tài liệu không tách rời của nhật ký Đoàn thanh tra”. Thông tư cũng quy định trong quá trình ghi nhật ký đoàn thanh tra, nếu có sự nhầm lẫn thì gạch bỏ phần đã ghi nhầm và ký xác nhận, không được xé bỏ các trang của Sổ nhật ký đoàn thanh tra hoặc làm hư hỏng, tẩy xóa nội dung Sổ nhật ký đoàn thanh tra.

            Trong trường hợp Sổ nhật ký bị mất, hư hỏng thì phải báo cáo bằng văn bản, phải giải thích lý do mất và đề nghị cấp lại Sổ.

            4. Lựa chọn người làm thành viên Đoàn thanh tra

            Thông tư quy định rõ ràng hơn đối với việc không bố trí làm Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra đối với những người có bố đẻ, mẹ đẻ; bố vợ hoặc bố chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng; vợ hoặc chồng, con ruột, con rể hoặc con dâu, anh, chị, em ruột là đối tượng thanh tra hoặc có mối quan hệ thân thiết với đối tượng thanh tra làm ảnh hưởng đến tính khách quan của hoạt động thanh tra.

5.Trình tự tiến hành một cuộc thanh tra

            5.1.Chuẩn bị thanh tra

            5.1.1. Thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình để ban hành quyết định thanh tra

            Thông tư quy định chi tiết hơn đối với hoạt động này, cụ thể:

- Trước khi ban hành quyết định thanh tra, trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (gọi chung là người giao nhiệm vụ nắm tình hình) chỉ đạo việc thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình để phục vụ cho việc ban hành quyết định thanh tra.

- Việc cử công chức hoặc tổ công tác thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình (gọi chung là người được giao nắm tình hình) phải thể hiện bằng văn bản của người giao nhiệm vụ nắm tình hình. Thời gian nắm tình hình không quá 15 ngày làm việc.

- Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc nắm tình hình, người được giao nhiệm vụ nắm tình hình phải có báo cáo bằng văn bản về kết quả nắm tình hình gửi người giao nhiệm vụ nắm tình hình.

- Phương pháp thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình: Thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình tại cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến được thanh tra; tại các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến nội dung thanh tra. Nghiên cứu, tổng hợp thông tin từ báo chí, đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra. Khi cần thiết, làm việc trực tiếp với những người có liên quan.

5.1.2. Xây dựng, phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra

Kế hoạch tiến hành thanh tra thực hiện theo quy định tại Thông tư này và là tài liệu nội bộ của Đoàn thanh tra. Quy định này nhằm xác định Kế hoạch tiến hành thanh tra được lưu hành trong nội bộ của Đoàn, không phổ biến đến đối tượng thanh tra.

5.2. Tiến hành thanh tra

5.2.1. Thủ tục thực hiện quyền trong quá trình thanh tra

- Trường hợp xét thấy cần bảo đảm nguyên trạng tài liệu như quy định tại Điều 36 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP thì Trưởng đoàn thanh tra ra quyết định niêm phong tài liệu. Quy định này khác so với nội dung “quyết định niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra khi có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật” theo Quyết định số 2151/2006/QĐ-TTCP.

- Khoản 8 Điều 25 Thông tư quy định điểm mới: trong trường hợp cần đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức cố ý cản trở việc thanh tra hoặc không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định thanh tra thì người ra quyết định thanh tra kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

            5.2.2. Xử lý sai phạm được phát hiện khi tiến hành thanh tra

            Điều 26 Thông tư số 05/2014/TT-TTCP quy định trong trường hợp phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định” mới hơn so với quy định “phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự” tại Thông tư số 02/2010/TT-TTCP.

            5.3. Kết thúc thanh tra

5.3.1. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn thanh tra

            Thông tư quy định chi tiết thời hạn để thành viên Đoàn thanh tra xây dựng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ là chậm nhất 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra tại nơi được thanh tra. Việc báo cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Nội dung báo cáo cũng được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 32 Thông tư số 05/2014/TT-TTCP.

            5.3.2. Ký và ban hành kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra

            Để phù hợp với Luật Thanh tra 2010, Thông tư số 05/2014/TT-TTCP đã quy định riêng nội dung ký, ban hành kết luận thanh tra với việc công khai kết luận thanh tra, không sử dụng từ “công bố kết luận thanh tra” như tại Thông tư số 02/2010/TT-TTCP.

6. Điều khoản thi hành

            Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2014. Các văn bản được bãi bỏ bao gồm: Thông tư số 02/2010/TT-TTCP ngày 02 tháng 3 năm 2010 của Tổng Thanh tra ban hành Quy định Quy trình tiến hành, một cuộc thanh tra; Quyết định số 2151/2006/QĐ-TTCP ngày 10 tháng 11 năm 2006 của Tổng Thanh tra ban hành Quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra; Quyết định số 2894/2008/QĐ-TTCP ngày 23 tháng 12 năm 2008 của Tổng Thanh tra về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra ban hành tại Quyết định số 2151/2006/QĐ-TTCP ngày 10 tháng 11 năm 2006 của Tổng Thanh tra; Quyết định số 1131/2008/QĐ-TTCP ngày 17 tháng 6 năm 2008 của Tổng Thanh tra ban hành Biểu mẫu trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo./.

Lư Thị Thu Hương


Số lượt người xem: 4712    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm