SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
5
1
2
4
5
Tin tức sự kiện 16 Tháng Tư 2012 2:30:00 CH

(TTTP) Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo: Đánh giá và chia sẻ kinh nghiêm tốt về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực tốt- Những vấn đề cần quan tâm

 

   Ngày 14/4/2012, tại khách sạn Tao Đàn, quận 1, TP.Hồ Chí Minh, Vụ Tổ chức Cán bộ và Cục Chống tham nhũng- Thanh tra Chính phủ, tổ chức Hội thảo "Đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm tốt về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực tốt", tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Ngô Văn Cao- Vụ trưởng, ông Ngô Văn Cường- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, ông Phí Ngọc Tuyển- Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng- Thanh tra Chính phủ, đại diện Cục giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực III (Cục III), lãnh đạo Thanh tra một số tỉnh khu vực phía Nam.

   Để buổi hội thảo có trọng tâm, trọng điểm, đạt mục đích yêu cầu đề ra, chủ trì hội nghị đã trình bày các báo cáo đề dẫn, quán triệt nội dung cơ bản của Thông tư số 05/2011/TT-TTCP ngày 10/1/2011 của Thanh tra Chính phủ, quy định về Phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra; Chỉ thị số 345/CT-TTCP ngày 23/2/2012 của Tổng Thanh tra về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) Thanh tra, kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư,  Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ, quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với CBCCVC và Thông tư 1680/2009/TT-TTCP quy định chi tiết danh mục vị trí công tác thanh tra của CB, CC trong các cơ quan Thanh tra nhà nước phải định kỳ chuyển đổi;  Quy chế giám sát, kiểm tra hoạt động của Đoàn thanh tra... đồng thời gợi ý các vấn đề tham luận, thảo luận, trao đổi tại hội nghị.

    Mở đầu hội thảo, ông Quách Hữu Phước- Chánh Thanh tra tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng, thực tế hoạt động thanh tra tại địa phương thời gian qua thì Quy chế giám sát Đoàn thanh tra là hết sức cần thiết và phải làm thường xuyên, nhất là từ khi Quy chế ra đời, các Đoàn thanh tra làm tốt hơn, vì có người đang giám sát mình. Đối với Đoàn thanh tra do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập, giao cho Phó Chánh thanh tra làm công tác giám sát và UBND tỉnh chưa chỉ đạo Chánh thanh tra làm giám sát. Nếu Chánh Thanh tra tỉnh làm Trưởng đoàn thanh tra, việc này có thể giao cho Giám đốc các Sở- ngành hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm giám sát. Tuy nhiên, Ông Phước cũng băn khoăn là công tác giám sát đôi khi còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào hoạt động của Đoàn thanh tra, mà chủ yếu giám sát trình tự, thủ tục. Về chuyển đổi vị trí công tác, Chánh Thanh tra tỉnh BRVT nhận thấy, một người đảm nhận công việc lâu dài  sẽ xảy ra hướng...không tích cực, vì khi có địa vị, có vị trí công tác dễ nảy sinh tiêu cực, việc chuyển đổi cần lưu ý là  phải có công việc giống nhau, phù hợp với chuyên môn, thì kết quả sẽ tốt hơn. Hiện nay, cơ quan Thanh tra chỉ có 1 kế toán, nếu chuyển đổi thì ai sẽ làm công việc này. Do đó việc chuyển đổi vị trí phải cân nhắc, phù hợp với đặc điểm và tổ chức nhân sự của từng bộ phận.

Theo Phó Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Đằng, cuộc hội thảo hôm nay có nội dung tốt, là dịp để Thanh tra các địa phương trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ với nhau. Ông Đằng đề nghị ngành Thanh tra cần tiến hành một cuộc điều tra xã hội học để xác định tham nhũng trong ngành ở mức độ nào, ở bộ phận nào, từ đó đưa công tác chuyển đổi vị trí, luân chuyển cán bộ sẽ có tác dụng tốt, ngăn ngừa, han chế  tiêu cực. Ông Đằng nhận xét, việc chuyển đổi vị trí công tác giúp CBCC có thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác khác, am hiểu về hoạt động đa dạng của ngành, cán bộ thanh tra cũng cần biết nhiều lĩnh vực. Vấn đề đặt ra là việc chuyển đổi vị trí sẽ dẫn đến cán bộ không chuyên sâu, mang tính dàn đều. Đối với Thông tư 05/2011/TT-TTCP, nếu cơ quan Thanh tra thực hiện đầy đủ các quy định của Thông tư, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC, phòng, chống tham nhũng...sẽ hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu. Chỉ thị 345/CT-TTCP của Tổng Thanh tra, đây là chỉ thị áp dụng cho toàn ngành Thanh tra, vì vậy, trong các cuộc họp Chi bộ của Thanh tra tỉnh đã đưa nội dung của Chỉ thị để quán triệt trong toàn thể đảng viên, giúp thanh tra địa phương vận dụng linh hoạt vào cơ quan mình, tổ chức của mình. Ông Đằng bày tỏ sự bức xúc, pháp luật của chúng ta đã có nhưng tại sao tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp và mang tính nghiêm trọng, do đó muốn chống tham nhũng phải xử nghiêm người vi phạm, đòi hỏi cán bộ, thanh tra viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, phẩm chất, bản lĩnh nghề nghiệp, phải có cái " tâm" trong sáng khi xử lý công việc, đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng.

Đồng tình với các ý kiến vừa trao đổi của đại biểu các tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước Phạm Phước Hải nhận xét, ở Thanh tra tỉnh Bình Phước, cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) cũng phân chia theo địa bàn, nên thời gian từ 2-3 năm phải luân chuyển cán bộ là cần thiết, để tránh sự quen biết trong xử lý, đồng thời giúp cán bộ tiếp cận với các đơn vị, phòng ban của địa bàn mới. Ông Hải cũng đề nghị, trong giải quyết đơn tố cáo cũng cần phải thực hiện công tác giám sát, có thể thành lập Đoàn hoặc tổ giám sát tùy theo tính chất vụ việc. Tiếp đó là phát biểu của Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương Nguyễn Xuân Dũng, việc chuyển đổi vị trí công tác là một đòi hỏi cần thiết của thực tiễn nhưng không nên quy định thời gian cụ thể về chuyển đổi, khi phát hiện CBCC có dấu hiệu tiêu cực hoặc không đáp ứng yêu cầu công việc thì thay đổi ngay, chứ không phải chờ đến hết 2-3 năm sau mới chuyển đổi và cũng tránh trường hợp CBCC bị chuyển đổi KN về thời gian chuyển đổi. Ông Dũng nhấn mạnh công tác giám sát rất quan trọng nhưng ai là người được giao công tác giám sát. Cán bộ giám sát phải am hiểu chuyên môn, phải giỏi về lĩnh vực được giao giám sát, liệu Trưởng phòng có giám sát được Phó Chánh Thanh tra không...Do đó phải có hướng dẫn cụ thể để thực hiện được thuận lợi và có sự thống nhất trong ngành. Ý kiến của đại diện Thanh tra tỉnh An Giang, Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai...đã nêu bật những kết quả đạt được cũng như vướng mắc, bất cập, chưa đồng bộ khi áp dụng các thông tư, chỉ thị của Thanh tra Chính phủ tại địa phương.

   Kết thúc buổi hội thảo, chủ trì hội nghị đã phân tích sâu và đưa ra các dẫn chứng cụ thể, sinh động về công tác giám sát trong hoạt động thanh tra, việc chuyển đổi vị trí công tác, việc thực hiện Chỉ thị của Tổng Thanh tra, giúp các đại biểu có cái nhìn toàn diện, mang tính biện chứng về một vấn đề, một vụ việc và giải đáp một số thắc mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Thông tư, quy chế , chỉ thị của ngành mà các địa phương gặp phải. Ông Ngô Văn Cao- Vụ trưởng, đánh giá cao ý kiến đóng góp, trao đổi tranh luận thẳng thắn, cởi mởi, sôi nổi của các đại biểu đến từ Thanh tra các tỉnh khu vực phía Nam, các đồng chí chủ trì hội nghị sẽ tiếp thu, báo cáo, tham mưu lãnh đạo Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn, cụ thể, chi tiết, để từng bước đưa các thông tư, quy chế, chỉ thị của ngành đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

 

 

 

 

Ảnh- Quang cảnh Hội thảo tại TP.Hồ Chí Minh

 

Minh Tâm

 


Số lượt người xem: 5517    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm