SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
3
3
5
0
8
4
5
Tin tức sự kiện 25 Tháng Bảy 2011 2:05:00 CH

(TTTP) Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh: xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố

 

 

 

 

 

Từ nhiều năm qua, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng ( PCTN ) luôn luôn được Thành ủy, UBNDTP quan tâm, chỉ đạo, cùng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, thanh tra viên, ngành Thanh tra thành phố ( TTTP ) đã đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý.

Từ một tổ chức Thanh tra làm công tác tham mưu, giúp chính quyền thành phố trong công tác giải quyết KNTC của công dân, phục vụ cho việc xây dựng và ổn định chính quyền cách mạng, đã từng bước phát triển, ngày càng lớn mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong giai đoạn mới.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, ngoài việc thực hiện thanh tra theo chương trình, kế hoạch, ngành TTTP còn tiến hành các cuộc thanh tra chuyên đề, thanh tra diện rộng, đột xuất theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, UBNDTP, như: quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở, kho bãi, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, chuyên đề ngành thuế, tài chính ngân hàng, xuất nhập khẩu, việc thực hiện các chính sách xã hội… Cùng với công tác thanh tra hành chính, hoạt động thanh tra chuyên ngành cũng không ngừng phát triển về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước của thành phố trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, giao thông vận tải, thông tin truyền thông, tài nguyên môi trường, xây dựng, công thương…góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực đời sống- xã hội trên địa bàn thành phố.

Trong 36 năm qua, ngành TTTP đã triển khai trên 904.486 đoàn thanh tra, kiểm tra  hành chính và 2.418 đoàn thanh tra chuyên ngành, đã kiến nghị và thu hồi  số tiền 1.938,9 tỷ đồng, 21.656 USD, 5.026.612 Yên Nhật, 443 lượng vàng, 617.833m2 đất, xử phạt vi phạm hành chính 44 tổ chức, 460 cá nhân, số tiền 158 tỷ đồng, có 1.3361 đề xuất chấn chỉnh về quản lý được thực hiện, chủ yếu là lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng và các dự án, kiến nghị xử lý kỷ luật 1.603 người, chuyển cơ quan điều tra 225 vụ/283 đối tượng…Điểm nổi bật qua các cuộc thanh tra, kiểm tra là ngành TTTP không chỉ phát hiện, thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát cho ngân sách Nhà nước mà điều quan trọng là phát hiện kịp thời những cơ chế, chính sách và những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý để kiến nghị sửa dổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với quá trình phát triển của đất nước, của thảnh phố, từ đó ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm có thể phát sinh.

Giải quyết KNTC góp phần an dân.

Ngành TTTP không những trực tiếp tham gia giải quyết KNTC theo thẩm quyền mà còn tham mưu tích cực cho Chủ tịch UBNDTP trong công tác giải quyết KNTC nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân. Có thể nói từ năm 2005 đến nay, trong giai đoạn TP.HCM đang đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, nhiều công trình, dự án trọng điểm được triển khai, nhằm chỉnh trang đô thị  và chăm lo đời sống nhân dân đồng thời cũng phát sinh nhiều đơn thư KNTC, nhất là KN đòi lại nhà, đất do quá trình thực hiện các chính sách cải tạo trước đây, KN đông người tại các dự án đầu tư xây dựng phục vụ lợi ích quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, KN đòi lại các cơ sở tôn giáo….Quán triệt Chỉ thị 09/CT-TW của Ban Bí thư về một số nhiệm vụ cấp bách cần tập trung thực hiện trong việc giải quyết KNTC hiện nay, Chỉ thị 64/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực giải quyết KNTC của công dân tại các cơ quan Trung ương và nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thông báo Kết luận số 30-TB/TB ngày 10/1/2008 của Bộ Chính trị về công tác KNTC trong thời gian tới…Ngành TTTP đã tham mưu Thành ủy, UBNDTP cụ thể hóa bằng các chỉ thi, quyết định, chương trình, kế hoạch, chủ trương, giải pháp…để lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác tiếp dân, giải quyết KNTC ở địa phương và triển khai 271 đoàn thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện Luật KNTC tại 910 đơn vị. Số liệu thống kê cho thấy, 36 năm qua, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng của TP.HCM đã tiếp gần 1 triệu lượt công dân, giải quyết 380.178 đơn KNTC, bảo vệ lợi ích Nhà nước 18,237 tỷ đồng, 57.079 m2 đất, hàng trăm căn nhà cùng nhiều tài sản có giá trị , phục hồi quyền lợi cho công dân 43,2 tỷ đồng, 8 lượng vàng, 7 căn nhà, 50.537m2 đất. Bên cạnh đó, ngành TTTP còn làm tốt vai trò tham mưu cho thủ trưởng cùng cấp trong công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, từ đó chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện các quy định pháp luật về giải quyết KNTC. Đặc biệt là trong những năm gần đây, toàn ngành triển khai 271 đoàn thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện Luật KNTC tại 910 đơn vị, phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố thực hiện các buổi phát thanh chuyên mục Tìm hiểu pháp luật về KNTC, phối hợp Báo Sài Gòn Giải phóng thực hiện chuyên đề Pháp luật và công dân, cùng Hội Nông dân thành phố  tổ chức thành công hội thi Nông dân và pháp luật, tổ chức Hội thi Tìm hiểu pháp luật KNTC cho cán bộ, công chức ( CB, CC ) và nhân dân xã- phường- thị trấn, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho công dân, ý thức trách nhiệm của CB, CC trong công tác giải quyết KNTC…Với những kết quả đạt được trong công tác tham mưu giải quyết KNTC, toàn ngành phát hiện nhiều vấn đề bất cập, mâu thuẫn, thậm chí xung đột về pháp luật, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của thành phố, trên cơ sở phát huy và đảm bảo quyền dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật.

Phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm.

Đảng bộ và chính quyền TP.HCM xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, do đó công tác này phải được thực hiện thường xuyên, kết hợp đấu tranh chống tham nhũng với chống quan liêu, cửa quyền, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Chính vì vậy, từ khi thành lập đến nay, ngành TTTP luôn làm tốt vai trò tham mưu trong công tác đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng. Từ khi có Quyết định 240/HĐBT ngày 26/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng đến Quyết định số 114/QĐ-TTg ngày 21/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là sau khi ban hành Luật PCTN, vai trò, vị trí của ngành TTTP được nâng lên, được chính quyền tin tưởng, giao nhiệm vụ tham mưu cấp ủy, chính quyền theo dõi, đôn đốc, quán triệt và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN trên địa bàn thành phố. Ngành TTTP đã bám sát chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, đề xuất chính quyền ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện có hiệu quả Luật PCTN, như: Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về PCTN giai đoạn 2006-2010, Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020, quy chế phối hợp về trao đổi thông tin và quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến tham nhũng, chỉ thị triển khai Nghị định 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kê khai tài sản, thu nhập, đôn đốc và hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85/2008/QĐ-TTg ngày 3/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ…Công tác thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về PCTN nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Trong các năm qua, ngành TTTP phối hợp các ngành triển khai 1.579 đoàn thanh tra, kiểm tra và điều tra chống tham nhũng, qua đó kiến nghị thu hồi cho ngân sách  49,336 tỷ đồng, 391.764 USD, 918 lượng vàng, 17 căn nhà, 183.441m2 đất, 35 tấn xăng dầu và hàng chục tỷ đồng gía trị hàng hóa khác, xử lý kỷ luật hành chính 1.716 CB, CC, hoàn thành kê khai tài sản, thu nhập đối với 38.812 CB, CC thuộc diện phải kê khai, đạt 100%, có 1.102 vụ/602 đối tượng bị khởi tố để xử lý theo quy định pháp luật. Qua công tác thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN, ngành đã phát hiện  và chỉ rõ những thiếu sót, tồn tại của các cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành Luật PCTN, đưa ra các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh và đạt được những  kết quả rất đáng ghi nhận.

Theo lãnh đạo Thanh tra TP.Hồ Chí Minh, từ ngày đầu thành lập với 5 đồng chí cán bộ thanh tra, trải qua chặng đường 36 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, đến nay hệ thống tổ chức ngành Thanh tra TP.HCM được hoàn thiện từ thành phố đến các quận- huyện, sở- ngành với 813 CB, CC, nhân viên, trong đó trên 90% có trình độ đại học và trên đại học, 314 Thanh tra viên, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN do Thành uỷ, UBNDTP giao. Cùng với việc thường xuyên xây dựng, củng cố, tổ chức bộ máy, ngành TTTP không ngừng quan tâm giáo dục, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành và của thành phố, gắn với việc thực hiện cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ CB, CC có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành, tận tụy, sáng tạo, gương mẫu, liêm khiết, đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ được  giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc của ngành TTTP từ khi thành lập đến nay, TTTP đề nghị UBNDTP xem xét, trình Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới cho ngành Thanh tra TP.Hồ Chí Minh.

 

 

 

 

 

 

 

Ảnh- Lãnh đạo UBNDTP tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của TTTP.

 

 

 

MINH TÂM

 


Số lượt người xem: 6919    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Tìm kiếm